MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hà Nội: Chưa ấn định ngày vận hành chính thức nhà máy điện rác Sóc Sơn

Tùng Giang LDO | 19/01/2022 15:26
Hà Nội – Xác nhận với Lao Động, đại diện Công ty Thiên Ý cho biết, ngày 20.1 chưa phải là ngày nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam chính thức đi vào hoạt động.
Theo quyết định chấp nhận điều chỉnh chủ trương đầu tư của UBND TP.Hà Nội, nhà máy điện rác Sóc Sơn tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 20.1.2022.
Trước thông tin này, ngày 19.1, xác nhận với Lao Động, bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Tổng giám đốc phát triển thị trường tại Đông Nam Á của công ty Thiên Ý (đơn vị phụ trách dự án) cho biết: Nhà máy điện rác Sóc Sơn có kế hoạch đưa vào vận hành trong tháng 1.2022, tuy nhiên chưa ấn định ngày cụ thể.
Như vậy, ngày mai (20.1) chưa phải là ngày nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam này chính thức đi vào hoạt động.
Cũng theo bà Vân, tiến độ vận hành nhà máy điện rác Sóc Sơn được chia làm 3 giai đoạn, đến nay đã hoàn thành toàn bộ giai đoạn 1. Cụ thể, trong giai đoạn 1, lò đốt số 3 sẽ đốt rác với công suất 800 tấn/ngày, rác tiếp nhận vào nhà máy 1.000 tấn/ngày. Tổ máy số 2 phát điện công suất 15 MW.
Giai đoạn 2 (từ ngày 20.2), lò đốt số 2 và số 4 sẽ đốt rác với công suất 800 tấn/lò/ngày; khối lượng rác tiếp nhận vào nhà máy là 3.000 tấn/ngày. Giai đoạn này, tổ máy số 1 sẽ phát điện. Công suất phát điện của tổ máy 1 và 2 là 45 MW. Trong giai đoạn 3 (từ ngày 25.3), lò đốt số 1 và số 5 sẽ đốt rác với công suất 800 tấn/lò/ngày; khối lượng rác tiếp nhận vào nhà máy là 5.000 tấn/ngày. Tổ máy số 3 phát điện. Tổng công suất phát điện của 3 tổ máy 1, 2 và 3 là 75 MW.
Nhà máy đang thiết kế để mỗi xe chỉ mất 3 phút đi vào đổ rác rồi đi ra. Trước tiên, xe sẽ chạy qua trạm cân để xác định khối lượng. Sau đó, xe chạy lên cầu vượt vào nhà máy.
Nhà máy bố trí 14 cửa đổ rác được thiết kế phù hợp với từng loại xe khác nhau. Khi xe đến gần, cửa đổ rác sẽ tự động mở. 
Với dây chuyền công nghệ hiện đại, nhà máy điện rác Sóc Sơn sẽ không phải phân loại rác thải từ đầu nguồn mà tất cả rác thải đều đốt được. Ngoài ra, nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ. Nhiệt độ trong lò đốt luôn được đảm bảo ổn định theo tiêu chuẩn nên có ưu điểm rất lớn về bảo vệ môi trường, độ bền của lò đốt được ổn định lâu dài.
Hiện tại, bên ngoài nhà máy đã được thiết kế thành khuôn viên vui chơi, người dân có thể đến tập thể dục và tham quan. Bên trong nhà máy có một khu riêng sẽ là nơi tham quan, học tập và chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ môi trường.

Được biết, dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Sóc Sơn, được UBND TP.Hà Nội chấp thuận chủ trương từ năm 2017, tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỉ đồng. Dự án chính thức được khởi công từ tháng 9.2019. Theo kế hoạch khi đi vào vận hành, đây sẽ là nhà máy điện rác lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau nhà máy điện rác Thâm Quyến, Trung Quốc.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện mỗi ngày thành phố có trung bình khoảng 6.000 tấn rác cần xử lý, song phần lớn khối lượng trên được xử lý theo hình thức chôn lấp.

Do vậy, người dân Thủ đô kỳ vọng công trình này sẽ sớm đi vào hoạt động, bởi các bãi chôn lấp rác của Hà Nội đều đã quá tải từ lâu và nguy cơ người dân phải "sống chung với rác" có thể diễn ra bất cứ khi nào. Tuy nhiên sau nhiều lần chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu vì các lý do khác nhau, đến nay toàn bộ dự án này vẫn đang trên đường “cán đích”.

This browser does not support the video element.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn