MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hà Nội: Khám phá khu hầm địa đạo hiếm hoi tại miền Bắc

Thế Kỷ LDO | 19/04/2021 07:00

Địa đạo Nam Hồng (Đông Anh, Hà Nội) là một hệ thống công sự chiến đấu hết sức lợi hại. Hầm địa đạo đã trở thành căn cứ địa cách mạng hữu ích che chở, bảo vệ các đồng chí đảng viên trước sự lùng sục, truy bắt gắt gao của quân Pháp.

Thôn Vệ (xã Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội) - nơi còn sót lại dấu tích về hệ thống địa đạo mang dấu ấn lịch sử hào hùng của thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Sau hơn 70 năm tồn tại, cả địa đạo dài khoảng hơn 11km giờ chỉ còn giữ được khoảng 200m, nối thông qua những ngôi nhà trong thôn.
Trong số hàng chục cửa hầm lên xuống địa đạo, hiện chỉ còn hai cửa hầm gần như còn nguyên vẹ. Theo đó, một cửa nằm dưới gầm giường nhà cụ Phạm Thị Lai, một cửa hầm nằm ở góc nhà cụ Phạm Văn Dộc.
Nhấc tấm bê tông nằm dưới các tấm lát giường nhà cụ Phạm Thị Lai, một cửa hầm hiện ra với kích thước khá nhỏ, chỉ đủ một người lớn đi xuống.
Theo ông Phạm Quang Hài (con trai cụ Phạm Thị Lai), những năm qua ngôi nhà của gia đình đã được tôn tạo, sửa chữa, tuy nhiên địa đạo phía dưới nền ngôi nhà không bị ảnh hưởng. Có một chiếc thang sắt gắn vào vách hầm để mọi người dễ dàng lên xuống.
"Tôi từng nghe mẹ mình kể lại, hồi đó để có địa đạo này, các cụ đã dùng chiếc búa chim, đào ngày, đào đêm, sau đó giấu đất vào bị cói hoặc chiếc khăn vuông rồi lén đổ xuống sông cho địch không phát hiện", anh Phạm Quang Hài cho hay.
Một đoạn địa đạo hiện còn giữ được nguyên trạng xây bằng gạch, trần uốn cong kiểu mái vòm.
Theo tài liệu ghi lại, địa đạo Nam Hồng được đào theo kiểu xương cá, có trục chính kết nối với các nhánh.
Ngoài một đoạn ngắn vẫn giữ được nguyên bản (tường gạch, mái vòm) thì hầu hết các đoạn khác đã được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng gia cố bằng những tấm bê tông cốt thép lớn ở hai bên và trên đỉnh để chống sập.
Một cửa hầm khác để lên xuống địa đạo vẫn giữ được nguyên vẹn nằm tại góc nhà bếp ông Phạm Văn Dộc (được biết từ cửa hầm này sẽ thông qua cửa hầm nhà cụ Phạm Thị Lai với chiều dài khoảng 80m).
Lối đi vào địa đạo khá hẹp, đây là đoạn còn giữ được nguyên bản, được xây từ hơn 70 năm trước.
Một số điểm được gia cố thêm bằng xi măng.
Theo tư liệu ghi lại, ban đầu, khi giặc Pháp chiếm đóng ở Nam Hồng, du kích và nhân dân trong làng mới biết đào hầm tránh giặc và hệ thống các đường hào để tránh máy bay, đạn cối. Khi làng có nhiều hầm, người ta mới đào thông các hầm với nhau tạo thành hệ thống hầm ngầm dưới đất, vừa tiện đi lại, vừa đảm bảo bí mật. Chỉ sau 2-3 tháng, hệ thống giao thông hào, thành lũy kháng chiến đã chằng chịt khắp làng trên xóm dưới với chiều dài gần 11km.
Dưới địa đạo khá ẩm thấp do lâu ngày không có người xuống.
Bên ngoài bức tường nhà ông Dộc vẫn còn tấm bia đá ghi dòng chữ: "Nơi đây, đồng chí Trần Xuyên, Chính trị viên thôn - đội du kích đã hy sinh sau gần 1 ngày cùng đồng đội đánh trả 1 tiểu đoàn địch vây càn".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn