MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hà Nội mở lại tàu du lịch trên hồ Tây, chuyên gia môi trường nói gì?

Tùng Giang - Đinh Thiện LDO | 24/03/2023 14:55
Sau 6 năm dừng hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, tàu du lịch ở hồ Tây, Hà Nội dự kiến sẽ cho phép các loại hình kinh doanh này mở lại. Theo TS.Hoàng Dương Tùng, thành phố nghiên cứu cho mở lại cần phải dựa trên các tiêu chí bảo vệ cảnh quan, môi trường và chất lượng nước hồ Tây sau cùng mới tính đến tiêu chí lợi nhuận thu được.
Theo dự thảo Quy định quản lý hồ Tây được UBND TP.Hà Nội bắt đầu lấy ý kiến từ ngày 22.3, có 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động gồm: tàu du lịch, thuyền, xuồng ca nô, xe đạp nước trên hồ (không lưu trú qua đêm); vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy (kết hợp các công ty lữ hành du lịch quốc tế và nội địa trong khu vực); dịch vụ bơi thuyền (gồm chèo thuyền sup, thuyền kayak, chèo thuyền rồng, thuyền truyền thống); hoạt động thuyền lướt ván, thuyền buồm; bơi lặn… 
 Bên cạnh đó, thành phố cũng muốn hồ Tây phát triển các dịch vụ du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thể thao, biểu diễn nhạc nước, khinh khí cầu, bay dù lượn, kinh doanh sân tập golf nước trên hồ.
 Về vấn đề này, ngày 23.3, trao đổi với Lao Động, TS.Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, trước đây Hà Nội cho phép các loại hình kinh doanh dịch vụ được mở tại hồ Tây, đặc biệt là hệ thống các nhà hàng, tàu nổi.
“Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường nước trong hồ nên các hoạt động này đã bị cho dừng. Vì không quản lý tốt nên kéo theo các hệ lụy, đơn cử như chỉ đi giải quyết các xác tàu đã tốn kém nhiều nhân lực, vật lực nhưng vẫn chưa giải quyết được dứt điểm”, ông Tùng lý giải.
Một khu vực tại hồ Tây bị ô nhiễm, bốc mùi hôi nồng nặc.
TS.Hoàng Dương Tùng cho rằng, thành phố cần nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh lặp lại câu chuyện cũ, cần đưa tiêu chí bảo vệ quang cảnh, môi trường hồ lên hàng đầu thay vì để các nhà đầu tư, doanh nghiệp tự do khai thác một cách ồ ạt sẽ dễ dẫn đến khó kiểm soát, phá nát quy hoạch hồ Tây.
“Chúng ta đạt được mục tiêu kinh tế, nhưng bỏ qua giá trị vốn có của hồ Tây sẽ là điều đáng tiếc. Nguồn thu đó có đủ bù đắp cho sự đánh đổi về môi trường hay không thì lại là bài toán cần lời giải thấu đáo”, TS.Hoàng Dưng Tùng nói. 
Trước đó, vào đầu năm 2017, Hà Nội yêu cầu chấm dứt hoàn toàn hoạt động kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng khai thác thủy sản của các doanh nghiệp trên hồ Tây. Các chủ tàu thuyền du lịch, nhà nổi phải tự tháo dỡ phương tiện và di dời. Tuy nhiên sau nhiều năm, đến nay việc này vẫn chưa thể hoàn tất khi vẫn còn 4/147 tàu vi phạm chưa thể di dời. 
Lý giải trước việc chậm tiến độ di dời tàu vi phạm trên hồ Tây, ông Nguyễn Đình Khuyến - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ thông tin, hiện chính quyền địa phương đang vướng mắc giữa việc tháo dỡ hay phá dỡ các tàu còn lại, bởi tháo thì không tháo được vì không có đường nào chở được, còn phá dỡ thì sẽ vướng kiện cáo từ các doanh nghiệp sở hữu. “Hiện các doanh nghiệp sở hữu tàu đòi đền bù nhưng không có cơ sở đền bù, doanh nghiệp không chịu thì chắc chắn sẽ phải cưỡng chế trong quý 2-2023. Tàu nặng từ 400 - 500 tấn, nhưng di chuyển cả thì không di chuyển được, nếu cắt ra thì vướng về mặt kiện cáo giữa chính quyền và doanh nghiệp”, ông Khuyến cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn