MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hà Nội: Ngôi làng sống chung với những khối "bê tông" rác nhựa khổng lồ

KIỀU MY LDO | 03/05/2021 06:00

Nhiều năm trở lại đây thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) được biết đến với cái tên “làng thu gom và sơ chế rác thải”. Cùng với sự phát triển kinh tế là vấn nạn ô nhiễm môi trường đe dọa tới cuộc sống của người dân nơi đây.

Thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu) trước đây có nghề làm hương đen nổi tiếng khắp các vùng lân cận. Do công việc làm hương thu nhập không ổn định nên nhiều hộ dân trong thôn đã chuyển qua thu gom, buôn bán phế liệu đã nhiều năm nay.
Theo tìm hiểu của PV Lao Động, hiện nay có khoảng gần 200 hộ dân ở Xà Cầu lấy nghề thu gom, sơ chế rác thải làm nguồn thu nhập chính cho cả gia đình. Họ thu mua về đủ loại phế thải từ chai nhựa, tivi, tủ lạnh, các loại lon nước... chất thành từng đống cao ngất ngưởng ven đường.
Với điều kiện thuận lợi là nguồn nguyên liệu rác thải luôn có sẵn từ thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận chuyển về, người dân nơi đây đã có một nghề mới đem lại thu nhập cao. Sau khi thu gom các phế liệu, người dân tổ chức phân loại phế liệu thành rác phế liệu và nguyên liệu để tái chế.
Phế liệu chủ yếu là ống nhựa cấp thoát nước, vỏ lon nước ngọt, vỏ chai nhựa các loại. Sau khi rửa sạch sẽ được đưa vào máy nghiền thành hạt nhựa.
Từ việc phân loại, phân chia đồ vật không đạt chuẩn, vật nguy hiểm, sau đó người dân sẽ cho vào máy ép thành từng tảng lớn cao khoảng 50 - 60cm. Nhiều loại chai nhựa, ống nhựa khác thì được cho vào máy nghiền nát thành những mẩu vụn để tái thành phẩm.
Thu nhập nghề thu gom phế liệu này tuy có khấm khá hơn, thế nhưng hàng trăm hộ dân ở Xà Cầu đang ngày ngày phải chịu cảnh sống trong môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hàng trăm tấn rác thải bủa vây trong từng nếp sống sinh hoạt, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe người dân và môi trường sống xung quanh.
Rác thải nhựa chất đống, ngổn ngang khắp nơi.
Anh Nguyễn Tiến Thi, người dân thôn Xà Cầu cho biết: “Bản thân tôi là người trong làng đã chứng kiến không ít người ra đi vì căn bệnh ung thư từ người trẻ tới người già. Mặc dù nghề làm phế liệu đang trở thành đem lại nguồn thu nhập chính của người dân thế nhưng chúng tôi khao khát các cấp chính quyền vào cuộc để tháo gỡ khó khăn này. Một mặt vẫn đảm bảo sinh kế cho người dân, một mặt hạn chế tình trạng ô nhiễm và đảm bảo sức khỏe cho người dân”.
Trước thực tế này, ông Nguyễn Phi Ổn - Trưởng thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu) cho biết, xã cũng đã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, nhất là các hộ làm nghề thu gom, tái chế phế liệu để họ chấp hành tốt các quy định về phân loại, xử lý rác thải; không đổ rác, đốt rác gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những cá nhân, hộ gia đình vi phạm. Cũng theo ông Ổn, người dân địa phương rất mong muốn trong thời gian tới các cơ quan chức năng ngành môi trường Hà Nội có biện pháp giúp đỡ các hộ dân xử lý theo đúng quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn