MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hà Nội thay đổi thế nào sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính?

Tùng Giang - Đinh Thiện LDO | 06/10/2023 14:41

Kể từ năm 2008 đến nay, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã phấn đấu không ngừng, thực hiện các nhiệm vụ chính trị để xứng đáng với vị trí, vai trò là đầu tàu kinh tế. Hà Nội cũng ngày càng văn minh, hiện đại khi có sự chuyển mình rõ rệt với nhiều công trình giao thông lớn, tòa nhà cao tầng và khu đô thị... Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số vấn đề chưa đạt, cần tháo gỡ.

Theo UBND TP Hà Nội, Thủ đô thời điểm được hợp nhất (tháng 8.2008 theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII) có diện tích trên 3.300 km2 với dân số trên 6.230.000 người, gồm 29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn. Đến nay, qua 15 năm phát triển (từ 2008 - 2023), dân số ước tính đến tháng 6.2023 là trên 8.560.000 người (gấp 1,37 lần so với thời điểm mới hợp nhất), có 30 quận, huyện, thị xã (huyện Từ Liêm tách lập thành 2 quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm) và 579 xã, phường, thị trấn (tăng 2 phường).
Về kinh tế, sau 15 năm mở rộng, Hà Nội ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước. Cụ thể theo số liệu của UBND TP Hà Nội, Thủ đô giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và luôn duy trì tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2011 - 2022, GRDP tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước.
Du lịch được chú trọng phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong công bố mới nhất của tổ chức Economist Intelligence Unit, Thủ đô Hà Nội đã tăng 20 bậc trong bảng xếp hạng những thành phố đáng sống nhất thế giới. Qua đó đưa Hà Nội vào nhóm 10 thành phố tăng hạng nhiều nhất.
Việc mở rộng địa giới hành chính đã thúc đẩy tốc độ đô thị hóa của thành phố chuyển mình rõ rệt khi hàng loạt những công trình, hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng cùng rất nhiều tòa cao ốc, khu đô thị hiện đại nằm ở khắp các quận, huyện.
Cầu Nhật Tân là công trình tiêu biểu được xây dựng ngay sau giai đoạn Hà Nội sáp nhập.
Đường Võ Nguyên Giáp (nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài) là dự án có tổng mức đầu tư 6.742 tỉ đồng, tổng chiều dài tuyến là 12,1km. Con đường hoàn thành tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội của TP Hà Nội.
Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, Hà Nội trở thành Thủ đô lớn thứ 17 trên thế giới khi nâng diện tích thành phố lên 3,6 lần so với trước đó. Về mật độ dân số, Hà Nội là địa phương đông dân thứ hai của cả nước và có mật độ dân số cao thứ hai trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với mật độ dân số là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước. Con số này là cao hơn rất nhiều so với thời điểm trước khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính.
Tại các quận trung tâm, theo Niên giám thống kê 2021 của Hà Nội, quận Đống Đa là quận có mật độ dân số cao nhất với 37.869 người/km2. Đứng thứ hai là quận Thanh Xuân với 31.973 người/km2. Các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình cũng có mật độ dân số khá cao, lần lượt là 29.074 người/km2, 26.093 người/km2 và 24.462 người/km2. Mật độ dân số đông đã gây áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục, môi trường, nhà ở. Ảnh chụp cảnh ùn tắc giao thông tại tuyến Nguyễn Trãi - Tây Sơn.
Do dân số cơ học tăng nhanh ở trung tâm Hà Nội, thời gian qua, thành phố cũng đầu tư mạnh cho lĩnh vực vận tải hành khách công cộng. Đơn cử, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Thủ đô, vận hành chính thức từ cuối năm 2021, tới nay đã trở thành phương tiện công cộng được nhiều người dân lựa chọn.
Theo Kế hoạch, giai đoạn từ năm 2022-2025, UBND TP Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2025 vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30-35% nhu cầu đi lại của người dân. Mục tiêu là vậy, tuy nhiên trên thực tế nhiều năm nay, tỉ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách bằng vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là xe buýt vẫn chỉ xấp xỉ 15 - 16%. Ảnh chụp một tuyến xe buýt BRT (dự án được nhiều chuyên gia và người dân Thủ đô đánh giá là thất bại của TP).
Một số dự án giao thông trọng điểm phải lùi tiến độ, đội vốn gây lãng phí ngân sách. Ảnh chụp Nhà ga Cầu Giấy tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội.
Để giảm tải hạ tầng đô thị, Hà Nội cũng đặt mục tiêu di dời nhà máy, xí nghiệp, đại học, trụ sở bộ ngành khỏi nội đô, nhưng triển khai ì ạch. Ảnh chụp nhà máy Thuốc lá Thăng Long chưa thể di dời khỏi nội đô.
15 năm qua nhìn lại, Hà Nội mở rộng mang đến nhiều đổi thay tích cực, song dân số cũng tăng nhanh, đặt ra nhiều thách thức lớn trên con đường để Hà Nội xứng đáng với vị trí, vai trò là đầu tàu, động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Qua đó ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước.

Đánh giá kết quả sau thời gian Hà Nội mở rộng, theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, ngoài những mặt tích cực, một số vấn đề còn tồn tại là việc giải quyết các khu chung cư cũ, nhà ở cũ dù đã có lộ trình nhưng đến nay còn nhiều khó khăn; Việc di dời các cơ sở công nghiệp, di dời trụ sở bộ, ngành, các trường đại học còn chậm dù đã có lộ trình của Thủ tướng nhưng vẫn thiếu các giải pháp, cơ chế đặc thù; Quản lý đô thị đặc biệt là quản lý trật tự xây dựng, ùn tắc giao thông chưa được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả...

Trong khi đó, dân số không giảm mà còn tăng lên. Về đất đai, khu đất vàng, khu đô thị mới thì cơi nới, nâng tầng... Hay giao thông chưa đạt được như kỳ vọng. Cấu trúc phương tiện giao thông công cộng đang còn thấp mặc dù trong thời gian qua đã có nhiều ưu đãi ở một số tuyến đường công cộng.

Ngoài các tồn tại trên, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, hiện nay, về thoát nước và xử lý nước thải, Hà Nội vay ODA đầu tư dự án thoát nước, giai đoạn 1 sắp hoàn thành nhưng mưa ngập toàn thành phố (năm 2008). Năm 2023 hoàn thành trạm bơm chống ngập Yên Nghĩa thì không có nước dẫn. Hàng chục nhà máy xử lý nước thải nhưng sông hồ ô nhiễm. Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá trị giá nửa tỉ USD hiện chờ nước thải dẫn qua 15km về xử lý. Đầu tư lớn, nhưng việc hạn chế ngập úng và sông hồ còn ô nhiễm...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn