MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hà Nội tiêm vaccine cho khoảng 1.000 bà bầu

Hà Phương LDO | 11/09/2021 11:58

Trong hai ngày 11 và 12.9, Bệnh viện Thanh Nhàn dự kiến tiêm vaccine phòng COVID-19 cho khoảng 1.000 bà bầu trên địa bàn quận Hoàng Mai.

Sáng nay 11.9, 500 phụ nữ mang thai trên 13 tuần đã tiêm vaccine COVID-19. Đây cùng là ngày đầu tiên Bệnh viện Thanh Nhàn triển khai tiêm chủng cho thai phụ. 
Trong thời gian này, tất cả người dân đến bệnh viện đều phải khai báo y tế đầy đủ.
 Được biết, phụ nữ mang thai hoặc không mang thai đều có nguy cơ nhiễm virus như nhau, song phụ nữ mang thai khi nhiễm dễ diễn tiến nặng. 
Đặc biệt, lúc mang thai, tử cung to đẩy cơ hoành lên cao khiến dung tích phổi giảm xuống, làm cản trở hô hấp, trong khi nhu cầu oxy của phụ nữ mang bầu lớn hơn bình thường rất nhiều để nuôi em bé. Khi bệnh chuyển nặng, thai phụ buộc phải nằm ở trung tâm hồi sức, thậm chí phải can thiệp y khoa như thở máy, ECMO, thậm chí nguy cơ tử vong cao cả mẹ và con. 
Theo bác sĩ Trần Quyết Thắng, Trưởng Khoa sản 1 bệnh Viện Thanh Nhàn, trong hai ngày 11 và 12.9, Bệnh viện Thanh Nhàn sẽ tổ chức tiêm phòng cho 1020 sản phụ thuộc quận Hoàng Mai. “Ngày 11.9 chúng tôi sẽ tiêm 520 sản phụ, 500 người còn lại sẽ được tiêm trong ngày 12. Việc tiêm phòng vaccine COVID-19 cho sản phụ trên 13 tuần là vô cùng cần thiết trong lúc dịch bệnh đang diện biến phức tạp. Việc tiêm phòng vaccine không chỉ bảo vệ sản phụ khỏi COVID-19, mà trong trường hợp sản phụ không may mắc bệnh, vaccine sẽ giúp giảm triệu chứng bệnh".
Phụ nữ mang thai cần được sàng lọc kỹ trước tiêm, đặc biệt cần khám thai để biết tình trạng của mình và em bé trước khi tiêm. Với phụ nữ mắc bệnh nền vẫn có thể tiêm, xong phải tầm soát kỹ hơn và tuân thủ theo chỉ định của các y bác sĩ. 
Tuy nhiên đối với sản phụ dưới 13 tuần, bác sĩ Thắng cho biết chưa được tiêm vaccine vì dễ dẫn đến trường hợp sảy thai, di tật thai do tác dụng phụ của thuốc. Theo bác sĩ Thắng khi sản phụ đến tiêm phòng sẽ được khai báo y tế từ cổng sau đó được đưa đi siêu âm thai nhi trước tiêm. Để đảm bảo sản phụ đủ sức khỏe, tim thai tốt, nước ối đầy đủ, thai nhi và mẹ nếu đạt chỉ số khỏe mạnh sẽ được đưa đến phòng đo huyết áp, sau đó tiến hành tiêm vaccine. Những trường hợp bất thường về thai nhi, nước ối sẽ theo dõi thêm, còn những sản phụ có bệnh về mãn tính thì phải điều trị trước khi tiêm. 
Sau tiêm, thai phụ cũng cần phải theo dõi sức khoẻ như người bình thường, nếu có các dấu hiệu nghiêm trọng xuất hiện như sốt cao, tím tái, thở dốc... cần liên hệ y tế ngay. Đặc biệt, sau tiêm một đến hai tuần, thai phụ cần đi khám thai để kiểm tra em bé. 
Thai phụ tiêm vaccine COVID-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn, sáng 11.9. 
Theo chị Đào Thị Thắm (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội): "Mình đã có thai 30 tuần. Mình có tìm hiểu việc tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai. Mình thấy việc tiêm phòng như vậy tốt cho cả mẹ và con nên vô cùng yên tâm khi đi tiêm. Đến đây mình mới biết loại vaccine được tiêm là Pfizer, với mình loại vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất nên loại nào cũng tiêm".
Tất cả bà bầu đều được kiểm tra tim thai sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19.
Phụ nữ mang thai hơn 13 tuần là một trong 3 nhóm người Hà Nội được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19. Hà Nội đặt mục tiêu tới ngày 15.9 tiêm mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi.  


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn