MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hàng chục tàu "lên ụ", công trường tàu cá cuối năm ở Vũng Tàu nhộn nhịp

Thành An LDO | 13/11/2021 14:38

Bà Rịa - Vũng Tàu - Vào dịp cuối năm, nhiều tàu cá tại địa phương thường chọn giải pháp "lên ụ" để kiểm tra chuẩn bị cho những chuyến biển kế tiếp. Vào đợt cao điểm sửa chữa tàu trong năm nên không khí các ụ tàu rất sôi động, nhộn nhịp. Bên cạnh đó, cũng có những tàu cá đóng mới đang khẩn trương hoàn thành, đưa vào khai thác.

Nằm ở cửa ngõ ra vào khu vực Kênh Bến Đình,  tại Xí nghiệp Cơ khí tàu thuyền (Phường 5, TP.Vũng Tàu) đã có trên 20 phương tiện nằm trên bãi, thực hiện đóng mới, vệ sinh sơn quét, đại tu sửa chữa... Dù chi phí lên ụ ở đây được cho là cao nhất nhì tại địa phương nhưng vẫn được nhiều chủ phương tiện lựa chọn do mức độ thuận tiện và các nguyên nhân khác.  Ảnh: T.A
Một con tàu hành nghề rập ghẹ (tàu nhỏ) gần được hoành thành. Chủ tàu đang tiến hành gắn các trang thiết bị, cũng như các thợ đang hoàn thiện những bước cuối cùng để chuẩn bị hạ thủy, tiến hành khai thác đánh bắt. Ảnh:T.A
Những đường lăn sơn cuối cùng để hoàn thiện phần vỏ con tàu. Ảnh T.A
Còn tàu này sẽ hành nghề giã cào, đã phủ keo sau khi đóng mới và đang bước vào phần sơn hoàn thiện. Các công nhân đang khẩn trương thi công để nhanh chóng đưa vào sử dụng khai thác hải sản. Ảnh: T.A 
Cùng chủ với tàu giã cào trên, chiếc tàu dài 26m này cũng đang được đóng mới. Chủ tàu cho biết để đóng mới một con tàu thế này cần thời gian khoảng 4 tháng và kinh phí lên đến hơn 9 tỷ đồng, với nhiều khâu chọn gỗ, thỏa thuận thi công... Con tàu này dự kiến sẽ hoàn thành kịp chuyến biển trước tết Âm lịch sắp tới. Trước đó chủ tàu cũng đã hạ thủy 2 chiếc tương tự. Ảnh: T.A
Phần thành tàu đã được ốp ván và đóng viền. Ván được cố định vào khung tàu bằng những ty sắt dài khoảng 40cm hoặc hơn. Để ốp gỗ vỏ tàu, thợ phải thực hiện khoan, dò lỗ rồi cài ty sắt vào các lỗ khoan, dùng búa đóng và siết ốc cố định.  Sau khi cố định chỉ còn thấy những chấm trắng chìm trong gỗ. Một thợ cho biết, mỗi con tàu đóng mới hoặc sửa chữa sẽ có khoảng 6-15 người thi công, tùy theo nhu cầu thực hiện của chủ tàu. Ảnh: T.A
Còn tàu cá này được đại tu lại gần như toàn bộ phía sau và cabin do đã sử dụng lâu năm, phần gỗ đã nhiều chỗ xuống cấp. Ảnh: T.A
Gần như toàn bộ phía sau được thay thế mới, chỉ còn giữ lại "long cốt", tuy nhiên cũng được gia cố thêm. Các thợ cũng đang kiểm tra phần vỏ tàu còn lại để có phương án thay thế sửa chữa thích hợp. Hàng chục "thợ" đang hăng say làm việc xung quanh và bên trong thân tàu. Ảnh: T.A
Những phần vỏ tàu, trụ ốp đã mục, ty sắt rỉ sét sẽ được thay thế mới, hoặc sửa chữa, gia cố tùy theo vị trí. Ảnh: T.A
Một thợ đang cắt gỗ để sửa chữa tàu. Tùy theo năng lực, mỗi lao động có thể kiếm được 500.000 - 650.000 đồng mỗi ngày. Hiện tại đang là mùa cao điểm của việc sửa chữa tàu, lại ngay sau thời gian thực hiện giãn cách nên không khí làm việc rất khẩn trương, sôi động. Ảnh: T.A
Con tàu này mới lên ụ, và đang được xịt rửa sình lầy để thực hiện gia công sửa chữa. Tại đây, chi phí lên xuống ụ dao động từ 2,75 triệu đến 46,8 triệu đồng cho 1 tuần lễ nằm bờ đối với từng loại tàu câu, tàu lưới... và theo chiều dài, đồng thời phụ thu theo những tiêu chuẩn kỹ thuật khác. Ảnh: T.A
Càng gần dịp cuối năm, càng có nhiều tàu có nhu cầu lên ụ sửa chữa. Một số chủ tàu cho biết do cuối năm thường nhiều dông bão, biển động, thời tiết lạnh... nên ảnh hưởng đến năng suất khai thác, vì vậy lựa chọn lên ụ sửa chữa nếu cần thiết. Ảnh: T.A

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn