MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngõ 137, đường Đặng Thai Mai (xã Hưng Đông, Vinh, Nghệ An) là nơi ở của gần 100 công nhân đang làm việc tại KCN Bắc Vinh và các vùng lân cận. Ảnh: Phạm Thông

Hàng trăm công nhân sống khổ trong những căn nhà trọ chật hẹp

PHẠM THÔNG LDO | 03/04/2024 11:30

Những căn nhà trọ chỉ 10 - 12m2 lợp mái tôn, mùa hè thì nóng bức, mưa thì lo dột nước ẩm thấp đang là nơi ở của hàng nghìn công nhân lao động xa quê tại xã Hưng Đông, TP. Vinh, Nghệ An.

Ngõ 137, đường Đặng Thai Mai (xã Hưng Đông, TP. Vinh, Nghệ An) là nơi ở của gần 100 công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Bắc Vinh và các vùng lân cận.
Công nhân phải ở trong các khu nhà trọ lụp xụp như ổ chuột, mỗi phòng thường được xây dựng với diện tích từ 10 - 12m2.
Trời chưa tắt nắng, nhưng trong dãy trọ đã dần tối vì ánh sáng đã bị chặn lại bởi những dây áo quần phơi kín mít trước các phòng.
Dãy trọ xập xệ, cũ nát theo thời gian. Tường bao đã xuất hiện những vết nứt vỡ dài, những cánh cửa sổ giờ chỉ còn tác dụng để “trang trí“, những mái nhà lợp tôn đã xuất hiện dấu vết hoen rỉ hoặc được lợp bằng các tấm fibro xi măng.
Hầu hết các khu nhà trọ này đều có các khu vệ sinh, tắm giặt được bố chí chung trong một khoảng không gian nhếch nhác.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Quân (36 tuổi), quê ở huyện Diễn Châu vào TP. Vinh làm công nhân cho một công ty may mặc. Hai vợ chồng chỉ thuê được một phòng rộng khoảng 12 mét vuông với giá 1,8 triệu đồng/tháng.
Vỏn vẹn 12 mét vuông, nhưng lại có đủ “phòng chức năng” của một căn nhà đúng nghĩa, gồm chỗ ngủ, phòng vệ sinh, bếp... Chiều tăng ca về muộn, trên bếp vẫn còn nồi cá kho từ hôm qua, đó là món chính cho bữa tối của hai vợ chồng. Họ mua thêm mớ rau ăn cho qua bữa rồi nghỉ ngơi mai lại tiếp tục đi làm.
“Hai vợ chồng đi làm lương chỉ được khoảng 10 triệu, nếu làm tăng ca sẽ nhiều hơn. Chúng em cố làm thêm con mình đỡ chịu khổ. Nếu sau này có điều kiện hơn vợ chồng em nhất định sẽ chuyển đến một nơi khang trang hơn” - chị Cao Thị Hường (vợ anh Quân) bày tỏ.
"Tiền lương chỉ đủ chi tiêu hằng ngày, chẳng may con ốm còn phải đi vay mượn để đi viện. Tiền điện ở đây không tính theo giá hộ dân, mỗi kW điện phải trả từ 3.000 - 4.000 đồng. Lắp thêm điều hòa thì tiền điện sẽ tăng rất cao, nhưng vì thương con nhỏ nên em cũng phải cố gắng vay mượn để con không bị nóng" - anh Quân tâm sự.
Cách gia đình anh Quân vài dãy trọ là nơi ở của chị Bùi Thị Giang (24 tuổi), quê ở huyện Đô Lương, hiện đang là công nhân tại công ty may Minh Anh. Chị cho biết: “Nóng kinh khủng, năm nào cứ đến cái mùa này là công nhân ở trọ như tôi đều rất ám ảnh bởi nắng nóng. Mỗi lần đi làm về cảm giác như đang ở phòng xông hơi.”
Hơn 4 năm nay, với thu nhập 6 triệu đồng, phải trả tiền trọ, tiền ăn, điện, nước, tiền xăng xe… Vì thế, tháng nào tằn tiện lắm mới dành dụm được hơn 1 triệu đồng, chị Giang bộc bạch.
“Thực trạng nhiều khu nhà trọ dành cho công nhân như trên tiềm ẩn nguy cơ trộm cắp tài sản, cháy nổ, đặc biệt là trong mùa nắng nóng gay gắt, rất cần những giải pháp đồng bộ và hữu hiệu để bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng và tài sản cho người lao động” - chị Nguyễn Hoàng Yến - cán bộ Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn