MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hành trình "về làng" của những thớ đất làm nên gốm Bàu Trúc nổi tiếng

Ngô Quý Đức LDO | 10/05/2022 07:27

Làng nghề gốm Bàu Trúc nằm ven quốc lộ 1A thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) khoảng 10 km về hướng Nam. Có lẽ Bàu Trúc phát triển được nghề gốm nhờ mỏ đất, mỏ cát riêng biệt chỉ phù sa sông Quao mới có. Ðất mịn, dẻo; cát cũng rất mịn, hạt nhỏ li ti.

Những người thợ đất chuẩn bị dụng cụ ra đồng lấy đất về làng làm gốm.
Những người thợ đất di chuyển đến nơi lấy đất ở cánh đồng cách xa làng khoảng 7 km. Nếu đi xe máy tầm 15 phút tới nơi nhưng khi đi xe bò, thời gian di chuyển mất gần 1 tiếng.
Cánh đồng mùa này chỉ có màu nâu vàng của đất. Suốt cả năm, những người “thợ đất” chỉ có 1 mùa lấy đất làm gốm, chính là khoảng thời gian từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5, sau mùa gặt.
1 ngày, những người thợ lấy đất sẽ có 2 chuyến đi ra cánh đồng. Buổi sáng, chuyến đi bắt đầu từ 5h30 đi đến khoảng 9h- 9h30 là về tới làng. Buổi chiều, 13h30 đến khoảng 17h mới kết thúc ngày làm việc trên cánh đồng.
Chỉ những ngày nắng, công việc đi lấy đất mới có thể diễn ra thuận lợi. Những ngày mưa, việc lấy đất và việc di chuyển đều gặp khó khăn.
Kì diệu thay, ở chỗ vị trí được bà con khai thác đất sét xong, sau khi được lấp lại lớp đất cũ trên bề mặt thì không hề bị sụt lún hay thấp trũng. “Chỉ sau một khoảng thời gian vài tháng, tại vị trí đó sẽ xuất hiện một lớp đất sét mới giống y hệt lớp cũ đã được lấy đi, đất tiếp tục dâng lên lấp đầy vị trí cũ. Vì thế mà gần nghìn năm nay vùng nguyên liệu đất vẫn nguyên, không hề bị mất đi. Gốm Bàu Trúc cũng tồn tại và phát triển đến ngày nay. Đó cũng là câu chuyện mang ý nghĩa tâm linh với dân làng Bàu Trúc chúng tôi“- ông Thê Văn Đoán (Làng Bàu Trúc- thị trấn Phước Dân- huyện Ninh Phước- Ninh Thuận) chia sẻ.
Lấy đất làm gốm là công việc của những người nông dân lâu năm ở Bàu Trúc. Họ không làm gốm, mà chỉ chuyên làm công việc lấy đất về làng cho những người thợ gốm tạo ra sản phẩm. Công đoạn lấy đất quan trọng như bất kỳ khâu nào trong quá trình tạo ra gốm Bàu Trúc nổi tiếng.
Người làm gốm Bàu Trúc lâu nay chỉ sử dụng đất sét ở một vài thửa ruộng nhất định thuộc vùng sông Quao. Chỉ có những thớ đất khu vực này mới phù hợp để làm gốm, đất ở nơi khác sẽ không thể tạo ra các sản phẩm gốm Bàu Trúc. Loại đất này cũng đã được lọc bỏ phần đất phía trên dính tạp chất, dính rễ cây, vỏ trấu,... trước khi  mang về làng. Nếu đất dính tạp chất, các sản phẩm gốm sẽ bị cháy nổ khi đem nung.
Xe bò được chất đầy những thớ đất, sau một buổi làm việc vất vả.
Sáng, những người “thợ lấy đất” sẽ mang theo đồ ăn cho kịp giờ đi làm, đến nơi sẽ ngồi ăn sáng cùng nhau hoặc nghỉ tay ăn sau khi làm. Họ nổi lửa nấu bữa ăn nhanh ngay trên cánh đồng.
Những người nông dân vất vả, dẫu chân tay quần áo lấm bùn nhưng công việc và cuộc sống của họ vẫn đầy ắp tiếng nói cười vui vẻ.
Bữa ăn giản dị với cơm trắng, mì tôm, chút hoa quả giải khát... nhưng đầy màu sắc của những người nông dân.
Những “cỗ máy” vận chuyển nghỉ ngơi trên cánh đồng sau buổi làm việc vất vả.
Đất về làng. Đó là cả một hành trình trải dài nghìn năm qua ở Bàu Trúc. Gốm Bàu Trúc đã nổi tiếng từ xa xưa và những thớ đất từ cánh đồng, cũng đã đi muôn phương, nhờ những bàn tay cần mẫn của người nông dân - những người thợ đất, thợ gốm tài hoa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn