MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hiện trạng 2 cầu vượt sông lớn nhất trên cao tốc 30.000 tỉ đồng ở phía Nam

HỮU CHÁNH LDO | 03/09/2023 19:41

Cầu Bình Khánh, Phước Khánh là hai cây cầu lớn nhất của cao tốc Bến Lức - Long Thành mới đạt 70-80% tiến độ sau 8 năm khởi công.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài hơn 57 km, vốn đầu tư sau điều chỉnh là hơn 30.000 tỉ đồng. Khởi công 9 năm trước, nhưng đến nay vẫn dang dở do thiếu vốn, vướng thủ tục.
Do điều kiện địa chất, thủy văn phức tạp, dự án phải xây dựng hơn 20 km cầu và cầu cạn. Trong đó có hai cầu lớn xây dựng theo kiểu dây văng là cầu Bình Khánh và Phước Khánh. Đây cũng là một trong những công trình quan trọng nhất thuộc dự án.
Cầu Bình Khánh được thiết kế theo kiểu dây văng hai mặt phẳng, khởi công tháng 8.2015 với tổng vốn đầu tư hơn 2.800 tỉ đồng. Cầu bắc qua sông Soài Rạp, nối huyện Nhà Bè và Cần Giờ của TPHCM.
Độ dài 2 nhịp chính của cầu giữa lòng sông là 375 m, đặt trên hai trụ cầu cao 155 m với móng trụ tháp có kết cấu dạng móng cọc cừ ống thép. Dự án cầu sử dụng hơn 25.000 m chiều dài cọc khoan nhồi các loại, hơn 7.000 m cọc vòng vây ống thép đường kính 1,5 m, gần 115.000 m3 bêtông các loại và khoảng 14.000 tấn cốt thép.
Cùng với độ cao của 2 nhịp dây văng, cầu Bình Khánh có tĩnh không thông thuyền lên tới 55 m, cao nhất Việt Nam thời điểm hiện tại. Chiều cao khoảng không giữa gầm cầu với mặt nước được thiết kế để phục vụ những tàu thuyền trọng tải lớn thường xuyên lưu thông trên sông Soài Rạp.
Cầu Bình Khánh đạt khoảng 70% tiến độ thì ngưng thi công từ 12.2018 do vướng mắc nguồn vốn. Sau gần 4 năm ngưng trệ, hồi tháng 7.2023, cầu này tái thi công trở lại, thuộc gói thầu J1 - dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Có kích thước và kết cấu tương tự cầu Bình Khánh, cầu Phước Khánh vượt sông Lòng Tàu nối huyện Cần Giờ (TPHCM) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) cũng chưa liền nhịp. Cầu Phước Khánh khởi công 8.2015, dự kiến xong trong 42 tháng. Công trình dài 3,1 km, nhịp chính dài 300 m, rộng 21,7 m.
Sau 8 năm khởi công, toàn bộ dự án cầu Phước Khánh với tổng mức đầu tư gần 2.900 tỉ đồng đã đạt 80% tiến độ. Công trình bị tạm ngưng thi công từ tháng 9.2019 với cùng lý do như cầu Bình Khánh. Phần cầu cạn thuộc dự án phía TPHCM và Đồng Nai cơ bản hoàn thành.
Ghi nhận cuối tháng 8.2023, công trường yên ắng, không có nhân công làm việc.
Công trình sử dụng hơn 29.000 m chiều dài cọc khoan nhồi các loại, hơn 6.000 m cọc vòng vây ống thép đường kính 1,5 m, trên 38.000 m3 đào đắp, khoảng 106.000 m3 bêtông các loại, 12.000 tấn cốt thép và 322 bộ gối cầu.
Hai trụ cầu cao 135 m thấp hơn trụ cầu Bình Khánh, nhưng có tĩnh không thông thuyền như nhau.
Cầu này có độ tĩnh không 55 m, cho phép những tàu có trọng tải dưới 50.000 tấn di chuyển trên Lòng Tàu đến cảng biển ở TPHCM. Trụ cầu dây văng có thiết kế chịu lực va đập đối với những tàu có tải trọng đến hơn 20.000 tấn.
Hồi tháng 2.2021, một tàu container tải trọng 8.000 tấn va đập mạnh vào cẩu tháp được lắp đặt để thi công trụ dây văng của cầu, khiến cần cẩu gãy đôi rơi xuống sông và hư hỏng hoàn toàn. May mắn, vụ va đập không ảnh hưởng đến trụ cầu.
Công trình ngưng thi công 4 năm qua, máy móc, vật liệu xây dựng ngổn ngang. Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, đang tổ chức đấu thầu lại các gói thầu đã tạm dừng thi công, thu xếp nguồn vốn cho dự án để triển khai đồng loạt, dự kiến đưa cao tốc về đích vào quý 3/2025.
Bến Lức - Long Thành là một phân đoạn của trục cao tốc Bắc - Nam. Giai đoạn một, tuyến được thiết kế 4 làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, vận tốc 120 km/h. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, giúp kết nối mạng lưới cao tốc, quốc lộ, hệ thống cảng biển, sân bay Long Thành. Dự án khi hoàn thành sẽ giảm ùn tắc trên quốc lộ 1, 51, rút ngắn thời gian từ Long An đi TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo đà phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn