MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hiện trạng 5 dự án ưu tiên áp dụng hình thức BOT theo Nghị quyết 98

Phương Ngân - Anh Tú LDO | 15/08/2023 17:14

Năm dự án ưu tiên sẽ áp dụng hình thức BOT (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh) trên tuyến hiện hữu theo cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98 của Quốc hội đều nằm tại khu vực cửa ngõ của TP Hồ Chí Minh, phần lớn là quốc lộ hiện hữu đang rơi vào tình trạng quá tải.

This browser does not support the video element.

Clip hiện tại 5 dự án sẽ ưu tiên áp dụng hình thức BOT theo Nghị quyết 98.
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh đã chọn 5 dự án giao thông cấp bách mang tính chất liên kết vùng trong số 107 tuyến đường phù hợp triển khai hình thức đầu tư BOT trên đường hiện hữu theo Nghị quyết 98, ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2023 – 2030.
Đầu tiên là dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc - đến giáp ranh tỉnh Long An) dài 9,6 km được đề xuất mở rộng lên 40 m với tổng mức đầu tư khoảng 12.900 tỉ đồng, trong đó dự kiến ngân sách TP tham gia với tỉ lệ 50% và doanh nghiệp 50%.
Đây là tuyến đường cửa ngõ từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây và ngược lại. Đoạn đường này thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài, đặc biệt là những ngày lễ, Tết.
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu) dài 4,6 km sẽ được mở rộng lên 53 – 60 m với tổng vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 8.600 tỉ đồng. Sở GTVT TP đề xuất bố trí 50% vốn ngân sách và 50% nguồn vốn từ doanh nghiệp.
Quốc lộ 13 là một trong những tuyến đường huyết mạch từ các tỉnh Tây Nguyên, Bình Dương, Bình Phước đến TP Hồ Chí Minh, tuyến đường này thường xuyên quá tải gây ám ảnh cho người dân mỗi khi đi qua. Trước đây, dự án này từng có nhà đầu tư tham gia nhưng bị vướng nhiều năm không thể triển khai.
Dự án thứ 3 là dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) với chiều dài 9,1 km, dự kiến mở rộng lên 39,5 m. Có tổng mức đầu tư 3.609 tỉ đồng, trong đó, 2.409 tỉ đồng từ vốn ngân sách của TP, còn lại là vốn doanh nghiệp đầu tư.
Việc cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 nhằm đảm bảo việc lưu thông và cải thiện năng lực vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ về TP Hồ Chí Minh.
Kế tiếp là dự án mở rộng trục đường Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh - nút giao cầu Bà Chiêm) dài 7,5 km, dự kiến mở rộng từ 4 lên 10 làn xe với tổng nguồn vốn 4.500 tỉ đồng. Ở dự án này, TP đề xuất ngân sách đầu tư tỉ lệ 70%.
Cuối cùng là dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên (đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh) dài 3,2 km, rộng 30 – 40 m với tổng vốn hơn 6.200 tỉ đồng. Dự án này được đề xuất ngân sách tham gia với tỉ lệ 54% và doanh nghiệp 46%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn