MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hiện trạng cầu Đuống trước đề xuất xây cầu mới trị giá gần 1.800 tỉ đồng

PHẠM ĐÔNG LDO | 02/10/2021 07:00

Dù được bảo trì thường xuyên nhưng do thời gian sử dụng đã khá lâu nên cầu Đuống đã bị xuống cấp trầm trọng. Chính vì vậy, Ban QLDA 6 vừa trình Bộ GTVT thẩm định và phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng mới cầu Đuống có tổng mức đầu tư khoảng 1.793 tỉ đồng. 

Cầu Đuống hiện là cây cầu huyết mạch nối quận Long Biên với huyện Gia Lâm (Hà Nội) cầu có chiều dài 225m và đường sắt ở chính giữa. Cầu có bề rộng thông thuyền khoảng 26m.
Cầu được xây dựng từ năm 1902 với công năng kết hợp giao thông đường bộ (QL1 cũ) và đường sắt (tuyến Hà Nội - Đồng Đăng). 
Theo tờ trình của Ban Quản lý Dự án (QLDA) 6, dự án sẽ tiến hành đầu tư xây dựng mới cầu đường sắt Đuống về phía thượng lưu cách cầu hiện hữu 16,5m và xây dựng mới cầu đường bộ theo quy hoạch để tách cầu đường bộ ra khỏi đường sắt. Trong đó, khổ thông thuyền cầu đường bộ cấp II (rộng 50m, cao 9,5m), khổ thông thuyền đường sắt cấp II hạn chế tĩnh không (rộng 50m, cao 7m). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.793 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2025.
Mặc dù được bảo trì thường xuyên nhưng do thời gian xây dựng đã khá lâu nên trong quá trình sử dụng nên cầu đã bị xuống cấp trầm trọng. Mặt đường lồi lõm trơ khung sắt, xuất hiện nhiều “ổ gà” gây nhiều phiền toái cho người dân.
Lan can cầu đã bị rỉ sắt, tại một số vị trí những cột trụ còn lộ rõ cả trụ sắt. Trao đổi với Lao Động, anh Nguyễn Ngọc Duy (Yên Viên - Gia Lâm) cho biết, hàng ngày để đi làm anh luôn di chuyển qua cây cầu này, thời gian gần đây mặt đường xuất hiện nhiều ổ voi ổ gà hơn khiến việc di chuyển qua đây khá khó chịu. Anh Duy mong đề xuất xây cầu mới sớm được phê duyệt để việc di chuyển từ phía huyện Gia Lâm về quận Long Biên trở nên thuận tiện hơn.
Các thanh nối ở thành cầu có dấu hiệu bị xô lệch.
Theo kế hoạch, dự án cũng tiến hành xây dựng cầu Đuống đường bộ có điểm đầu tại vị trí nút giao khu vực chân cầu Đuống hiện hữu trên đường Ngô Gia Tự (quận Long Biên), điểm cuối tại khu vực nút giao giữa đường Hà Huy Tập với đường Phan Đăng Lưu (huyện Gia Lâm). Tim cầu Đuống đường bộ cách tim cầu hiện hữu khoảng 100m về phía hạ lưu.
Thông tin với báo chí, ông Thái Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban QLDA 6 cho biết, trong cơ cấu tổng mức đầu tư dự án, chi phí bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng đã chiếm gần 50% (776,2 tỉ đồng). Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ được tách thành tiểu dự án và giao cho UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện. “Để triển khai dự án này, các vấn đề về kỹ thuật hoàn toàn xử lý được nhưng khó khăn nhất sẽ là công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Chúng tôi kiến nghị, sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai các bước tiếp theo, chính quyền và các cơ quan liên quan của TP Hà Nội sớm vào cuộc hỗ trợ đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án”, ông Tuấn chia sẻ.
Trước đó vào tháng 5.2021, trụ cầu Đuống đã được thực hiện sửa chữa trong vòng 15 ngày.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn