MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hiện trạng chùa Tây Phương trước khi được trùng tu

Ngọc Trang - Hải Nguyễn LDO | 01/03/2024 08:59

Ngày 22.2.2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 190/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Phóng viên Lao Động đã có ghi nhận thực tế về hiện trạng di tích này.

Chùa Tây Phương tọa lạc tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, cách trung tâm Hà Nội 40km về hướng Tây Bắc, là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Việt Nam. Nơi đây lưu giữ những kiệt tác điêu khắc Phật giáo Việt Nam qua nhiều thế kỷ, đặc biệt với 64 pho tượng Phật, trong đó có 34 pho tượng được Nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2014.
Trải qua thời gian, các tòa kiến trúc, pho tượng cổ tại chùa Tây Phương dần bị bào mòn, hư hại khiến người dân xót xa. Trước tình trạng này, UBND huyện Thạch Thất đã có tờ trình đề xuất danh mục đầu tư các dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Thạch Thất giai đoạn 2021-2025, đề nghị UBND thành phố Hà Nội phê duyệt cuối tháng 1.2022, trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương. Tuy nhiên, dự án vướng mắc do chưa có Quy hoạch.
Một người dân địa phương đi lễ chùa ngày 28.2 chia sẻ với phóng viên Lao Động: “Nhìn ngôi chùa cổ hàng ngày bị mối mọt, hỏng hóc, bào mòn theo thời gian, người dân chúng tôi xót lắm, đặc biệt vào những ngày mưa gió, ẩm mốc, vì phần mái chùa đã lâu đời, các pho tượng gỗ bên trong chủ yếu làm bằng gỗ dễ thấm ẩm. Nay biết tin chùa sắp được tu bổ, sửa chữa, chúng tôi cũng phấn khởi, mong chính quyền Nhà nước chỉ đạo thi công càng sớm càng tốt”.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương nằm trong danh sách các điểm được phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi là tín hiệu đáng mừng. Hiện tại, UBND huyện đang phối hợp với các đơn vị liên quan, nhanh chóng thực hiện đề án Quy hoạch trình lên Thành phố, các cấp Sở, Ngành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... để dự án sớm được thi công.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều bức tượng phật trong chùa đang trong tình trạng bong chóc lớp sơn son thếp vàng. Nhiều nét hoa văn chạm khắc bị nứt vỡ, mái ngói xập xệ, nước sơn bị bong chóc, các cột kèo, cánh cửa, tượng phật chất liệu gỗ bị bào mòn…
Ông Phạm Quang Thái – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Thạch Thất cho biết, do chùa và các hiện vật trong chùa thuộc Di tích quốc gia đặc biệt nên không được phép tự ý tu sửa. Do đó, phía Ban quản lý nhà chùa cùng chính quyền địa phương chỉ tìm cách khắc phục tạm thời phần mái sụp, dột, cố gắng bảo quản nguyên vẹn kiến trúc, tượng phật trong chùa, dùng thuốc chống mối mọt... chờ ngày được thi công trùng tu chính thức.
Ông Phạm Quang Thái thông tin, trước khi đề án Quy hoạch được phê duyệt, UBND huyện Thạch Thất đã xin ý kiến triển khai trùng tu, tu bổ những phần bị xuống cấp ở khu vực khoanh vùng 1 của Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, bao gồm lối đi từ chân chùa, cổng chùa và toàn bộ nội tự. Đề xuất đã được thành phố Hà Nội phê duyệt, hiện đang trình, chờ các Sở, Ngành liên quan, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tiếp tục thẩm định.
Đề xuất dự kiến tổng giá trị trùng tu, xây dựng di tích là 235 tỉ đồng. Chi phí đầu tư trùng tu, tu bổ khu vực khoanh vùng 1 (hơn 13.000m vuông) khoảng 85 tỉ đồng, có thể thi công trong năm 2024 hoặc 2025 nếu được thông qua phê duyệt. Khu vực 2 (phần còn lại của di tích) được đề xuất mở rộng hơn, bao gồm việc di dân đến khu tái định cư để giữ gìn, bảo vệ khu di tích một cách tối đa.
Người dân sinh sống, buôn bán trong địa phận khu di tích chờ ngày được di dân.
Một số kiến trúc gỗ đã được sửa sang, tu bổ trong các lần trùng tu trước đây tại chùa Tây Phương. Phần cột bị mối mọt, mục chân được đắp thêm lớp gỗ bên ngoài với mục tiêu không thay thế, giữ gìn, bảo tồn tối đa theo Luật Di sản.
Ni sư Thích Đàm Thuỷ - Trụ trì chùa Tây Phương trăn trở: “Tôi nhớ lần trùng tu cách đây hơn 20 năm, một số thợ được thuê tay nghề không cao, khiến nhiều mảng ngói cổ chưa được bảo tồn tối đa, bị dỡ bỏ lãng phí, xót lắm. Mong rằng sắp tới, việc bảo tồn, tu bổ sẽ được giám sát, thực hiện thật cẩn thận, chuyên nghiệp để giữ lại được nhiều nhất những cổ vật, kiến trúc vốn có của di tích”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn