MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hiện trạng di tích Gò Đống Thây trước khi tu bổ, cưỡng chế hàng chục hộ dân

Tùng Giang LDO | 24/02/2024 20:17

Gò Đống Thây nằm sâu trong một con ngõ nhỏ hẹp trên đường Khuất Duy Tiến (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Chính quyền địa phương mới đây đã ban hành kế hoạch tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất đối với 58 hộ dân để thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử này.

UBND quận Thanh Xuân cho biết, đối tượng thuộc diện cưỡng chế gồm 58 hộ gia đình, cá nhân không đồng thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Trong đó, 49 trường hợp tháo dỡ toàn bộ công trình; 9 trường hợp cắt xén công trình, nhà tạm.
Thời gian dự kiến thực hiện trong giai đoạn từ ngày 25 - 27.3. Đồng thời, quận Thanh Xuân yêu cầu các đơn vị tiếp tục vận động, tuyên truyền, đối thoại với hộ gia đình, cá nhân bị cưỡng chế. Cương quyết xử lý kịp thời đúng pháp luật các trường hợp cản trở việc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất; đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trước, trong và sau khi cưỡng chế.
Được biết, Gò Đống Thây hay còn gọi là Thất tinh gò. Đây là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của quân Tây Sơn đại phá 29 vạn quân Thanh năm 1789. Năm 1990, gò Đống Thây được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử, cần được bảo vệ.
Qua quan sát, quanh khu di tích hiện có nhiều lều lán, nhà tạm được dựng lên tạm bợ bằng các tấm tôn. Tại đây, có hộ mở cửa hàng sửa chữa xe máy, kho hàng hóa hoặc buôn bán nhỏ lẻ như tạp hóa và nước giải khát.
Do không có hệ thống biển báo chỉ dẫn, nên để tìm vào khu vực này là rất khó khăn. Nếu không có am thờ trên gò đất nhô cao, người dân tìm đến sẽ khó có thể nhận ra đây là khu di tích.
Trước thông tin khu vực này sẽ bị cưỡng chế, thu hồi để tu bổ lại gò Đống Thây, thời gian qua, nhiều hộ dân sống tại đây treo băng rôn khắp mọi ngả đường, lối vào khu di tích lịch sử và thậm chí ngay trước cửa nhà để nhằm phản đối chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích do UBND quận Thanh Xuân thực hiện.
Theo tìm hiểu của Lao Động, từ những năm 1970 – 1980, rất nhiều hộ dân đã sinh sống ở khu vực này, tuy nhiên nhiều hộ trong số đó không được chính quyền địa phương cấp sổ đỏ cho phần đất đang ở. Đến năm 1990, di tích Gò Đống Thây được công nhận là di tích lịch sử.
Lều lán, nhà tạm được dựng lên trong khu vực gò Đống Thây.
Một số hình ảnh bên trong di tích Gò Đống Thây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn