MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hiện trạng điểm đen tai nạn 20 năm qua ở cửa ngõ TPHCM vừa được xoá

HỮU CHÁNH - ANH TÚ LDO | 02/08/2023 19:14

20 năm qua, nút giao An Sương liên tục trong danh sách khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn, điều này khiến người đi đường ám ảnh khi di chuyển qua đây.

Nút giao An Sương nằm ở cửa ngõ tây bắc TPHCM và là nơi giao giữa các tuyến Quốc lộ 1, 22, đường Trường Chinh nên lượng phương tiện qua lại rất lớn, thường xuyên xảy ra xung đột. Đây là một trong ba “điểm đen” tai nạn trên địa bàn vừa được Sở Giao thông Vận tải TPHCM thông báo xóa bỏ.
20 năm qua, nút giao An Sương liên tục trong danh sách khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn. “Điểm đen” tại nạn được tính trong một năm, nơi đó xảy ra hai vụ nghiêm trọng (có người chết); hoặc ba vụ trở lên, trong đó có một vụ nghiêm trọng; hoặc 4 vụ trở lên, nhưng có người bị thương.
Các tuyến này có mật độ xe dày đặc, nhất là ôtô trọng tải lớn do là trục huyết mạch kết nối phía Tây Bắc thành phố với khu trung tâm. Hơn 15 năm sửa xe tại vòng xoay An Sương, ông Nguyễn Văn Tuấn đã quá quen với hình ảnh tai nạn ở khu vực này. “Vài năm trở lại đây, khi hầm chui khánh thành cùng hàng loạt bảng cảnh báo được lắp đặt bên đường đã giúp giảm số vụ tai nạn, nhưng nguy cơ vẫn chực chờ” - người đàn ông 57 tuổi cho hay.
Thống kê trong giai đoạn 2011-2015 của Ban An toàn giao thông thành phố, ngã tư An Sương xảy ra 8 vụ tai nạn, làm chết 9 người, bị thương một người. Đặc biệt, năm 2018 và 2019, ngã tư này xảy ra 5 vụ tai nạn làm 6 người chết, hai người bị thương.
Trước đó, năm 2002, TPHCM đưa vào khai thác cầu vượt trên Quốc lộ 1, giúp giảm giao cắt các hướng đi. Tuy nhiên, ùn tắc, tai nạn ở nút giao vẫn liên tục xảy ra nên năm 2017, thành phố tiếp tục xây hầm chui hai chiều theo trục quốc lộ 22 - đường Trường Chinh, hoàn thành năm 2020.
Các công trình này giúp nút giao An Sương thành nút giao ba tầng, kết hợp việc phân luồng, cải tạo các tiểu đảo quanh nút giao, lắp đèn tín hiệu... giúp giao thông ở khu vực này ổn định hơn.
Ngoài nút giao An Sương, hai điểm đen còn lại cũng được xóa gồm: Đường Ba Tháng Hai, đoạn từ Lê Đại Hành đến Tạ Uyên (Quận 11) và giao lộ Thoại Ngọc Hầu - Lũy Bán Bích (quận Tân Phú).
Đây là những tuyến đường hẹp, xe đông, nhất là ôtô lớn dày đặc nên chỉ cần sơ sẩy rất dễ xảy ra tai nạn.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, dù xóa được 3 “điểm đen” tai nạn, nhưng trên địa bàn lại phát sinh thêm ba điểm mới, nên tổng cộng thành phố vẫn tồn tại 9 điểm, tăng hai điểm so năm 2020. Các điểm mới phát sinh, gồm: đường Kinh Dương Vương, đoạn từ số nhà 466 đến 486 (quận Bình Tân); giao lộ Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh); trước nhà 834 Lê Đức Thọ (Gò Vấp).
Cũng theo cơ quan này, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn TPHCM xảy ra 783 vụ tai nạn làm chết 296 người và 470 người bị thương. So với cùng kì, số vụ tai nạn giảm 259 vụ, người chết, bị thương cũng lần lượt giảm 37 và 198 người. Trong ảnh là vòng xoay Mỹ Thuỷ, điểm đen tai nạn ở TPHCM trong nhiều năm qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn