MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hiện trạng đoạn QL1 ở TPHCM sắp được đầu tư gần 13.000 tỉ đồng mở rộng

HỮU CHÁNH LDO | 24/09/2023 07:00

Đoạn 9,6 km Quốc lộ 1 (QL1) từ nút giao vòng xoay An Lạc (TPHCM) đến ranh tỉnh Long An nhiều năm qua là điểm đen ùn tắc, kẹt xe ở cửa ngõ thành phố đi về miền Tây.

Quốc lộ 1, đoạn qua địa phận TPHCM phải đi qua TP Thủ Đức, Quận 12, quận Gò Vấp, quận Tân Phú và huyện Bình Chánh… Riêng Quốc lộ 1, đoạn qua huyện Bình Chánh dài gần 10 km, từ An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An.
Đây là cửa ngõ chính từ TPHCM về Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời là đoạn liên kết nhiều trục đường lớn như đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, cao tốc TPHCM - Trung Lương, cũng là tuyến dẫn vào bến xe Miền Tây tại TPHCM.
Đoạn gần 10 km Quốc lộ 1 qua huyện Bình Chánh có 2 cầu vượt là cầu Bình Điền 2 và cầu vượt nút giao Bình Thuận.
Tuyến đường có 6 làn, mỗi bên 3 làn, có đầy đủ hệ thống chiếu sáng, vạch kẻ đường, cây xanh toả bóng mát hai bên...
Hằng ngày các phương tiện di chuyển Bắc - Nam đường dài vẫn phải đi chung đường với các phương tiện di chuyển nội đô. Đường hỗn hợp, xung quanh nhà dân và nhiều điểm giao cắt nên các xe không thể chạy hết tốc độ cho phép. Tình trạng ùn tắc, quá tải và kẹt xe liên miên là điều tất yếu xảy ra.
Ngoài tình trạng ùn tắc do mặt đường hẹp, khu vực này cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn vì đây là đoạn Quốc lộ 1 duy nhất ở TPHCM chưa có dải phân cách ngăn làn ôtô và xe máy.
Ghi nhận của Lao Động chiều 23.9, dù không phải giờ cao điểm, xe vẫn dày đặc, chậm chạp di chuyển trên ba làn đường mỗi hướng.
Tài xế Hồ Văn Hùng (33 tuổi, Long An) cho biết, Quốc lộ 1 hướng về miền Tây đã quá tải nhiều năm nay, việc lưu thông trên tuyến gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào giờ cao điểm, lễ, Tết. "Ngoài Quốc lộ 1, tài xế có thể chọn lộ trình khác là Quốc lộ 50 nhưng tuyến này cũng kẹt xe triền miên" - anh Hùng nói.
Phần đường dành cho người đi bộ qua đường trên Quốc lộ 1. Tuy nhiên, việc không có đèn tín hiệu hay cầu vượt bộ hành khiến người đi bộ sang đường rất nguy hiểm, bởi đây là tuyến đường có lưu lượng xe lớn.
Trước yêu cầu cấp bách, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đề xuất mở rộng gần 10 km Quốc lộ 1 từ An Lạc đến giáp Long An (cùng với 4 dự án khác) theo hình thức BOT, sau khi Nghị quyết 98 cho thành phố áp dụng loại hợp đồng này trên các tuyến đường hiện hữu.
Theo đó, đoạn này sẽ được mở rộng với kinh phí dự kiến gần 12.900 tỉ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng khoảng 7.700 tỉ đồng. Ngân sách sẽ góp 50%, còn lại do nhà đầu tư huy động.
Hôm 19.9, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết ban hành danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), trong đó có Quốc lộ 1, triển khai trong giai đoạn 2023 – 2028. Nếu hoàn thành đúng kế hoạch, dự án này sẽ khơi thông cửa ngõ phía Tây vốn đang là nút thắt giao thông của thành phố suốt nhiều năm qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn