MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một căn nhà nằm trong diện giải toả trong khu đất rộng hàng trăm ha thuộc Dự án Công viên Sài Gòn Safari. Ảnh: Hữu Chánh

Hiện trạng dự án công viên lớn nhất Việt Nam "treo" gần 20 năm sắp hồi sinh

HỮU CHÁNH LDO | 24/09/2023 19:16

TPHCM - Được đánh giá là công viên khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD, song 19 năm qua, dự án Công viên Sài Gòn Safari vẫn là bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm.

Dự án Công viên Sài Gòn Safari có quy mô 456,85ha thuộc các xã An Nhơn Tây, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi (TPHCM). Tổng số vốn đầu tư cho dự án lên đến 500 triệu USD và được đánh giá là công viên khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á với chức năng bảo tồn, trưng bày, nhân giống các loài thú quý hiếm trên thế giới.
Dự án thuộc cụm du lịch văn hóa lịch sử Củ Chi, cách trung tâm TPHCM khoảng 50 km. Với các khu chức năng: Khu thả thú bán hoang dã, dự kiến thả thú đặc trưng các khu vực trên thế giới; Khu trưng bày thú mở bao gồm hệ thống chuồng trại dạng mở và cảnh quan, trưng bày các loài thú đặc trưng của các châu lục trên thế giới, vườn thú đêm trưng bày các loài thú chuyên sinh hoạt vào ban đêm; Các công trình dịch vụ khác phục vụ du khách như biểu diễn thú ban ngày, ban đêm, khu dã ngoại, resort, khu vui chơi giải trí cho thiếu nhi...
Để thực hiện dự án, tháng 6.2004, UBND TPHCM ra quyết định thu hồi đất, đồng thời giao Chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn và UBND huyện Củ Chi tiến hành bồi thường và tái định cư cho hơn 700 hộ dân thuộc địa bàn 2 xã của huyện Củ Chi.
Theo ghi nhận của Lao Động ngày 24.9, khu vực được quy hoạch thành công viên Sài Gòn Safari dù đã được cắm mốc lộ giới và giăng hàng rào kẽm gai nhưng bên trong chỉ là bãi đất bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm và dấu tích của những căn nhà đã đập bỏ.
Ngoài những căn nhà bị đập bỏ dang dở, bên trong khu đất rộng hàng trăm ha chưa có hạng mục nào của Dự án Công viên Sài Gòn Safari được xây dựng. "Nếu dự án không thực hiện được thì thành phố nên trả đất lại cho người dân canh tác, chứ để đất hoang hơn gần 20 năm trời quá lãng phí", một người dân sinh sống tại đây cho hay.
Khu dự án trở thành bãi đất hoang, dành làm nơi cho người dân chăn thả gia súc.
Một số khu vực, người dân vào trồng trọt các cây hoa màu ngắn ngày. Ông Lê Văn Ngọc (xã An Nhơn Tây) cho biết, dự án Công viên Safari đến nay đã 19 năm nhưng tiến độ hiện nay quá chậm, đất đai bị bỏ hoang hóa gây mất an ninh, trật tự, ảnh hưởng đến đời sống người dân. "Mong thành phố đẩy nhanh tiến độ dự án, tránh để lãng phí đất ảnh hưởng môi trường, xã hội" - ông Ngọc nói.
Trước đó, năm 2019, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt vấn đề tại dự án này. Cụ thể, dự án có quy mô lớn, diện tích đất phải thu hồi hơn 450 ha nhưng UBND TPHCM chưa thực hiện đúng trình tự pháp luật. TPHCM đã giao dự án cho Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên làm chủ đầu tư nhưng doanh nghiệp này không đủ năng lực thực hiện.
Cuối năm 2021, UBND huyện Củ Chi kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận chủ trương cho điều chỉnh quy hoạch Khu công viên Sài Gòn Safari sang chức năng khu công nghiệp kỹ thuật cao.
Mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tiếp tục nghiên cứu ý tưởng quy hoạch - kiến trúc Công viên Sài Gòn Safari để tiến hành tổ chức thi tuyển.
Dự án hạ tầng Khu tái định cư dự án Sài Gòn Safari (vị trí ấp Bàu Đưng, xã An Nhơn Tây) được huyện Củ Chi khởi công từ tháng 8.2019. Tuy nhiên đến nay, khu tái định cư vẫn chưa xong. Hiện khu tái định cư vẫn đang được thi công các hạng mục hạ tầng.
Theo quy hoạch được duyệt, dự án hạ tầng khu tái định cư có quy mô 18ha, gồm 275 nền đất tái định cư (nhu cầu tái định cư là 247 hộ). Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 là hơn 177 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn