MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hiện trạng đường dẫn cao tốc ở TPHCM được đề xuất chi hơn 1.100 tỉ đồng mở rộng

HỮU CHÁNH LDO | 13/08/2023 17:05

Theo đề xuất, đường dẫn cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2) sẽ được mở rộng với quy mô 8 làn xe so với 4 làn xe hiện hữu, với tổng kinh phí hơn 1.100 tỉ đồng.

Đường dẫn cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ nút giao thông An Phú đến Vành đai 2 có chiều dài khoảng 4 km, đi qua phường An Phú và phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức.
Tại điểm đầu của cao tốc này, dự án giao thông An Phú đang được thi công xây dựng. Nút giao này là một trong những dự án trọng điểm của TPHCM, khởi công cuối năm 2022 với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỉ đồng.
Nút giao có quy mô ba tầng, gồm: hầm chui hai chiều nối cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm vượt sông Sài Gòn), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống. Trên cao có hai cầu vượt, gồm: một cầu dạng chữ Y nối đường Mai Chí Thọ (phía xa lộ Hà Nội) và Lương Định Của qua đường dẫn cao tốc; một cầu vượt rẽ phải từ đường dẫn cao tốc qua Mai Chí Thọ.
Sở GTVT TPHCM cho rằng, việc sớm đầu tư mở rộng đường dẫn giúp đảm bảo tiến độ khai thác đồng thời với công trình nút giao thông An Phú, dự kiến hoàn thành tháng 4.2025. Công trình khi triển khai cũng đồng bộ với việc mở rộng tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được thực hiện thời gian tới.
Theo đề xuất của Sở GTVT TPHCM, Dự án mở rộng đường dẫn cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 có điểm đầu tại Km0+800 (lý trình cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây), tiếp giáp điểm cuối Dự án nút giao An Phú; điểm cuối tại Km4 (lý trình cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây) tại điểm bắt đầu nút giao Vành đai 2 (không bao gồm phần cầu cạn trong nút giao) với tổng chiều dài tuyến 3,2 km.
Theo đề xuất, đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 sẽ được mở rộng 2 bên, mỗi bên 4,75 m, đảm bảo quy mô 8 làn xe, bề rộng nền đường 36 m, khổ cầu tương ứng với khổ đường.
Tổng mức đầu tư dự án là 1.105,6 tỉ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 0 đồng; chi phí xây dựng là 874 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác là 87,4 tỉ đồng; chi phí dự phòng là 144,2 tỉ đồng.
Sở GTVT TPHCM cũng dự kiến phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư trong quý III; phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi trong quý IV; lựa chọn nhà thầu thi công trong quý II/2024; tổ chức triển khai xây dựng từ quý III/2024 đến quý IV/2025.
Nút giao giữa cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Vành đai 2 TPHCM.
Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe đã được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư và đưa vào khai thác năm 2016.
Từ khi đưa vào khai thác đến nay, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây liên tục tăng cao (trung bình hơn 10%/năm). Theo tính toán, phạm vi cao tốc từ TPHCM (nút giao An Phú) đến Long Thành (nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) dài khoảng 26 km đã khai thác vượt quá 25% so với năng lực thông hành của tuyến, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải.
Đường song hành cao tốc TPHCM - Long Thành (ngoài cùng bên trái) khởi công tháng 4.2017 theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), tổng mức đầu tư 869 tỉ đồng. Sau 6 năm thi công, 2,7 km đường song hành cao tốc TPHCM - Long Thành đã hoàn thiện, dự kiến thông xe trong thời gian tới giảm ùn tắc cửa ngõ phía đông TPHCM.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn