MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ga trung tâm Sài Gòn. Ảnh: Hữu Chánh

Hiện trạng ga ở TPHCM được đề xuất làm đầu mối trung chuyển khách

HỮU CHÁNH LDO | 30/08/2023 12:28

Ga Sài Gòn hiện nay gồm có tàu khách, hàng và khu tác nghiệp kỹ thuật. Theo đề xuất, ga này sẽ được quy hoạch lại với diện tích 6,85ha, làm quảng trường, trở thành đầu mối trung chuyển khách giữa đường sắt tốc độ cao, metro, buýt.

Ga Sài Gòn nằm trên địa bàn Quận 3, có diện tích khoảng 6,14ha. Đây là ga cuối của tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - TPHCM, hoạt động với hai loại hình vận chuyển chính là chở khách và hàng hóa.
Trước đây, ga Sài Gòn gốc do Pháp xây dựng tại khu vực đường Hàm Nghi nay là Trạm trung chuyển Hàm Nghi (Quận 1), được khánh thành năm 1885. Năm 1911, người Pháp cho xây dựng ga Sài Gòn mới ở vị trí hiện nay là công viên 23/9 và bến xe buýt Sài Gòn, hoàn thành vào tháng 9.1915.
Năm 1978, ga Sài Gòn dời về ga Bình Triệu, đồng thời nâng cấp, tu sửa ga hàng hóa Hòa Hưng cũ thành ga hành khách Sài Gòn ngày nay. 5 năm sau, ga Sài Gòn chính thức đi vào hoạt động, khai thác.
Ga Sài Gòn hiện nay gồm có tàu khách, hàng và khu tác nghiệp kỹ thuật. Bên trong nhà ga chính có hai khu vực quầy vé. Phía trước có bãi đỗ xe máy và một phần cho ôtô.
Phía sau ga là khu vực tàu vào với 5 đường ray, bên trên có khu vực mái che. Ga có ba ke nhưng chủ yếu tác nghiệp hành khách tại hai ke cạnh đường số 2 số 3, cạnh đường số 4 và số 5.
Hiện nay, ga Sài Gòn đang tổ chức chạy 11 đôi tàu khách/ngày đêm. Dịp lễ, Tết sẽ tăng cường thêm 4 đôi tàu khách/ngày đêm (tổng là 15 đôi tàu khách/ngày đêm). Ngày thường, lượng hành khách di chuyển bằng tàu hoả khá thưa thớt. Vào dịp lễ, Tết, hành khách đông đúc hơn do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.
Khu vực sảnh vé ở lầu 1 ít mở cửa vì hành khách ít, chỉ hoạt động ở khu vực sảnh dưới.
Mới đây, liên danh Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam và Trung tâm Tư vấn - Đầu tư phát triển giao thông vận tải có báo cáo Cục Đường sắt Việt Nam, đề xuất chọn phương án xây dựng ga Sài Gòn thành ga trung tâm hành khách của TPHCM.
Theo đề xuất, tổng diện tích ga dự kiến khoảng 6,85ha. Nhà ga sẽ gồm tổ hợp nhiều công trình như quảng trường (diện tích 2,3ha) bố trí cho ga metro, bến xe buýt, taxi, nơi đậu xe...
Xung quanh ga trung tâm sẽ có ba nhà ga “vệ tinh“, gồm Bình Triệu, Tân Kiên, Thủ Thiêm, với chức năng là đầu mối tập trung khách, kết hợp khu tác nghiệp kỹ thuật sửa chữa, bảo trì đầu máy, toa xe. Riêng Tân Kiên sẽ có thêm chức năng là nhà ga hàng hoá tại thành phố. Việc tổ chức chạy tàu trên trục Bình Triệu - Sài Gòn - Tân Kiên sẽ theo kiểu “con lắc” qua ga trung tâm.
Theo đơn vị tư vấn, do vị trí nằm ở nội đô, kết nối metro, buýt, ga Sài Gòn khi trở thành nơi trung chuyển khách khối lượng lớn sẽ giúp người dân thuận tiện đi lại, giảm ùn tắc.
KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên về quy hoạch đô thị cho rằng, ga Sài Gòn là nơi trung chuyển khách khối lượng lớn không chỉ phục vụ đường sắt Bắc Nam mà cả hệ thống metro ở TPHCM. Việc quy hoạch lại chức năng nhà ga cũng thuận lợi cho giao thông nội vùng, bởi nơi này sẽ tập trung nhiều loại hình chở khách, thích hợp cự ly ngắn đến các tỉnh, thành lân cận.
Chuyên gia Ngô Viết Nam Sơn góp ý, xe lửa Sài Gòn là một thành tố trong kiến trúc, đô thị tổng thể ở khu vực nên khi quy hoạch lại chức năng, ga Sài Gòn cần đi kèm phát triển các loại dịch vụ, thương mại để thu hút khách.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn