MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu tái định cư 12.000m2 của dự án Vành đai 3 thuộc địa phận phường Long Bình và Long Thạnh Mỹ (TP Thủ Đức). Ảnh: Hữu Chánh

Hiện trạng khu tái định cư 12.000m2 của dự án Vành đai 3 tại TP Thủ Đức

HỮU CHÁNH LDO | 04/08/2023 15:05

Khu đất có diện tích 12.000m2 ở phường Long Bình - Long Thạnh Mỹ (TP Thủ Đức) là một trong bốn khu tái định cư của dự án Vành đai 3 đoạn qua TPHCM, với nhiều tiện ích đã đi vào hoạt động như trường học, chợ dân sinh...

Sau 12 năm quy hoạch, dự án Vành đai 3 đoạn qua TPHCM chính thức khởi công hôm 18.6. Việc bố trí tái định cư cho người dân trong vùng dự án và tiếp tục hoàn tất giải phóng mặt bằng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của TPHCM.
Theo UBND TPHCM, hiện nay thành phố đã hoàn thành công tác phê duyệt và bàn giao ranh giải phóng mặt bằng phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Cụ thể, tại TP Thủ Đức, địa điểm tái định cư ở khu tái định cư phường Long Bình - Long Thạnh Mỹ. Huyện Củ Chi có địa điểm tái định cư tại xã Tân Thạnh Tây với diện tích gần 13.600m2. Ở huyện Hóc Môn có địa điểm tái định cư tại xã Xuân Thới Đông, diện tích 9.165m2. Còn ở huyện Bình Chánh, địa điểm tái định cư tại khu dân cư Khu công nghiệp An Hạ, xã Phạm Văn Hai.
Trong ảnh là khu tái định cư phường Long Bình - Long Thạnh Mỹ (TP Thủ Đức) có diện tích khoảng 12.000m2. Tuyến đường 9A nằm ở trung tâm khu đất này có hai mặt tiếp giáp là đường số 6 và đường 10A rộng rãi, khang trang.
Dọc tuyến 9A, các hạng mục vỉa hè, tụ điện, đèn đường đã được thi công, lắp đặt. Những tiện ích đi kèm xung quanh khu tái định cư cũng đã đi vào hoạt động như trường mầm non, cấp 2, 3 và chợ dân sinh. Gần đó là khu dân cư Vinhomes Grand Park.
Khu tái định cư trước đây chỉ là những bãi đất trống và một số lò gạch cũ. Hiện khu vực này đang là nơi chăn thả bò.
Người dân kỳ vọng, việc xây dựng khu tái định cư sẽ mang một làn gió mới đến với địa phương. “Dân cư đông đúc, nhộn nhịp, đường sá khang trang hơn sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế cho nơi đây” - ông Hoàng Văn Bình (66 tuổi, người dân phường Long Bình) cho hay.
Một vị trí mặt bằng được rào lưới để phân chia ranh giới đất tại khu tái định cư Long Bình.
Vành đai 3 TPHCM là dự án được áp dụng nhiều cách làm chưa có tiền lệ, giúp rút ngắn một năm so với cách triển khai thông thường.
Theo Ban Chỉ huy Dự án thành phần 2 – Dự án đầu tư xây dựng Vành đai 3 TPHCM, tính đến 17h ngày 1.8, diện tích đã bàn giao mặt bằng làm Vành đai 3 đạt tỉ lệ khoảng 92% (374/410 ha). Trong đó, huyện Hóc Môn đã hoàn thành 100%. Các huyện Củ Chi, Bình Chánh và TP Thủ Đức đã bàn giao mặt bằng lần lượt là 97,61%, 94,59% và 76,15%. Dự kiến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án sẽ hoàn thành trước ngày 31.12.2023.
Dự án xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM dài 76 km, đi qua 4 địa phương gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An với tổng mức đầu tư gần 75.400 tỉ đồng, là công trình giao thông lớn nhất phía Nam. Dự án chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện hai dự án, gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp. Vành đai 3 có điểm đầu tại nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai); điểm cuối tại nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Vành đai 3 đoạn qua TPHCM dài hơn 47 km có tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỉ đồng (chi phí xây dựng hơn 22.400 tỉ đồng và hơn 18.000 tỉ đồng cho giải phóng mặt bằng). Trong đó, đoạn qua TP Thủ Đức có chiều dài gần 15 km, tính từ điểm giáp với nút cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây và kết thúc tại nút giao Tân Vạn. Đoạn qua huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh dài tổng cộng 32 km với điểm đầu là nơi tiếp giáp cầu Bình Gởi và điểm cuối là hết cầu Thầy Thuốc. Trong ảnh là khu vực công trường thi công gói thầu XL03 (từ Km17+500 đến Km20+550) thuộc địa phận TP Thủ Đức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn