MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu vực dự kiến xây dựng cầu Cần Giờ. Ảnh: Hữu Chánh

Hiện trạng khu vực dự kiến xây cầu Cần Giờ 10.000 tỉ đồng ở TPHCM

HỮU CHÁNH LDO | 24/08/2023 11:51

Cầu Cần Giờ dài 3,4 km, điểm đầu dự án tại nút giao đường 15B với đường số 2 (huyện Nhà Bè), điểm cuối kết nối đường Rừng Sác (xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ).

Mới đây, UBND TPHCM đã giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Cần Giờ. Hiện, sở này đã cơ bản hoàn chỉnh báo cáo, tổ chức đấu thầu lựa chọn tư vấn và xin ý kiến của Bộ GTVT.
Đây là công trình rất lớn với chiều dài 3,4 km, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 10.000 tỉ đồng. Theo phương án thiết kế, cầu Cần Giờ dự kiến phân từ 4-6 làn xe, tĩnh không thông thuyền 55 m. Sở GTVT TPHCM hiện đang nghiên cứu hình thức PPP hoặc phương thức đầu tư công.
Cách bến phà Bình Khánh khoảng 1,8 km về phía Nam, điểm đầu của công trình tại nút giao đường 15B với đường số 2 (khu đô thị Phú Xuân, huyện Nhà Bè).
Cầu Cần Giờ sau đó vượt đường Nguyễn Bình (huyện Nhà Bè) hướng ra sông Soài Rạp.
Sau khi vượt sông Soài Rạp, hướng tuyến rẽ sang hướng đông, đi qua cù lao và song song với đường dây điện 220KV. Cách cầu Cần Giờ dự kiến xây dựng không xa là cầu Bình Khánh - cầu dây văng đang xây dựng thuộc dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Cầu Cần Giờ tiếp tục vượt sông Chà.
Điểm cuối kết nối đường Rừng Sác cách bến phà Bình Khánh gần 2 km tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ. Trong ảnh là cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua xã Bình Khánh.
Theo Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm, về kỹ thuật dự án xây dựng cầu Cần Giờ cơ bản đã xong, sở đang cùng địa phương rà soát lại chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Dự kiến sẽ trình HĐND thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm nay, khởi công vào 30.4.2025.
Ngoài ra, để thúc đẩy tiến độ dự án, chính quyền TPHCM đã đề xuất cơ chế đặc thù tương tự quá trình triển khai dự án đường Vành đai 3 TPHCM, đó là tách riêng khâu giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập.
Với phương án kiến trúc công trình, cây cầu này có thiết kế dây văng một trụ tháp, phác họa hình tượng cây đước (đặc trưng của huyện Cần Giờ), sử dụng lan can hình tượng sóng biển, các trụ đèn chiếu sáng tạo nên hiệu ứng rừng đước khi đi qua cầu, đồng thời thiết kế chiếu sáng nghệ thuật cho cầu. Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM.
Công trình khi hoàn thành sẽ thay phà Bình Khánh, vốn đã quá tải nhiều năm nay, giúp kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm và khu vực lân cận. Qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển dự án khu lấn biển, khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn