MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hiện trạng tuyến phố được đề xuất cho thuê vỉa hè để kinh doanh ở Hà Nội

HỮU CHÁNH LDO | 26/12/2023 17:25

Hà Nội - Quận Hoàn Kiếm mới đây đề xuất 10 tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng để thí điểm cho thuê vỉa hè. Phần lớn các tuyến phố này hiện đang bị chiếm dụng để làm bãi trông giữ xe, kinh doanh buôn bán.

Tại phiên họp chuyên đề của HĐND TP Hà Nội mới đây, trả lời chất vấn của cử tri, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, các đơn vị chuyên môn đang xây dựng đề án quản lý lòng đường, vỉa hè. "Dự kiến việc quản lý lòng đường, vỉa hè gắn với nghiên cứu định hướng thiết kế đô thị. Trong đó sẽ phân thành các khu vực nội đô lịch sử, trung tâm nội thành, vành đai 1, 2, 3 hay các vành đai 2, 5, 3 để ra từng khu vực, từng quận huyện" - ông Tuấn nói.
Dự kiến UBND TP Hà Nội xem xét đề án quản lý lòng đường, vỉa hè vào tháng 1.2024, các tuyến phố đủ điều kiện có thể cho thuê khai thác thương mại, dịch vụ. Hiện một số quận ở Hà Nội đã đề xuất các tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng để thí điểm cho thuê vỉa hè. Trong đó, quận Hoàn Kiếm đề xuất thí điểm giai đoạn một cho thuê kinh doanh ở 10 tuyến phố với 36 vị trí.
Cụ thể, 15 vị trí trên 5 tuyến phố trong không gian đi bộ gồm: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Hàng Bài, Nguyễn Xí, Lê Thái Tổ. Thời gian cho thuê trong khung giờ hoạt động của không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Theo ghi nhận, vỉa hè và một phần lòng đường phố Nguyễn Xí đang được trưng dụng làm bãi trông giữ xe khiến việc di chuyển của các phương tiện, người đi bộ gặp nhiều khó khăn.
"Vỉa hè dọc cả tuyến đường bị nhiều hộ kinh doanh lấn chiếm để bày bán hàng. Mỗi lần đi qua đây tôi chỉ còn cách là đi xuống lòng” - anh Trần Hữu Hồ (35 tuổi, Hoàn Kiếm) cho hay.
Vỉa hè phố Hàng Khay cũng rất chật chội. Nhiều hàng quán chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, du khách phải len lỏi giữa những khoảng trống ít ỏi trên vỉa hè để di chuyển.
Trong khi đó, vỉa hè phố Tràng Tiền thông thoáng.
Ngoài 15 vị trí trên 5 tuyến phố trong không gian đi bộ nói trên, quận Hoàn Kiếm cũng đề xuất 21 vị trí trên 5 tuyến phố ngoài không gian đi bộ cho thuê kinh doanh, gồm: Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Bà Triệu, Lê Phụng Hiểu, Ngô Quyền. Diện tích dự kiến cho thuê để sử dụng tạm thời tính từ mặt nhà ra 2m và chỉ cho chủ nhà mặt phố tại vị trí trên thuê để kinh doanh mặt hàng đang kinh doanh. Thời gian cho thuê là tất cả ngày trong tuần.
Theo ghi nhận, nhiều đoạn vỉa hè của các tuyến phố nói trên cũng đang bị "xẻ thịt". Hàng rong, quán trà đá, bãi đỗ xe chiếm trọn diện tích vỉa hè phố Ngô Quyền.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại phố Bà Triệu.
Trên phố Lý Thường Kiệt, các hộ kinh doanh ăn uống chiếm dụng hết diện tích vỉa hè tạo nên khung cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Anh Lê Văn Bằng (29 tuổi, Hoàn Kiếm) cho biết, vỉa hè dành cho người đi bộ nhưng bao nhiêu năm nay bị hàng quán chiếm dụng. Bày hàng hóa, bàn ghế ra kinh doanh như trong sân nhà mình. Nhiều người bán hàng trên vỉa hè lâu ngày còn nghĩ vỉa hè là của họ. "Cứ tính phí theo diện tích chiếm dụng, càng trung tâm phí càng cao và để lại một phần thích đáng cho người đi bộ" - anh Bằng nói.
Quán cà phê trên đường Lý Thường Kiệt bày bàn ghế ra vỉa hè. Thống kê của TP Hà Nội cho thấy, có khoảng 6,2% tuyến đường còn tình trạng lấn chiếm lòng đường, khoảng 22,4% tuyến phố có tình trạng hè phố bị khai thác, sử dụng trái phép để kinh doanh hoặc trông giữ xe.
Sau thời gian thí điểm, quận Hoàn Kiếm dự kiến đề xuất bổ sung một số tuyến phố giáp chợ, không phải trục giao thông chính và có hè rộng từ 3m trở lên tại khu vực phố cổ. Các hộ kinh doanh mặt phố được thuê bề rộng 1m, ngang bằng mặt nhà và phải đảm bảo lối đi cho người đi bộ. Đối với những nơi chưa có cửa hàng kinh doanh thì chưa cho thuê vỉa hè.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn