MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vị trí xây dựng cầu Cát Lái nối liền huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và TP Thủ Đức (TPHCM). Ảnh: Hà Anh Chiến

Hiện trạng vị trí xây cầu Cát Lái mà tỉnh Đồng Nai muốn khởi công năm 2025

HÀ ANH CHIẾN LDO | 26/03/2024 15:36

Đồng Nai - Theo ghi nhận của phóng viên báo Lao Động, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) chỉ cách TP Thủ Đức (TPHCM) bởi con sông Đồng Nai. Hiện nay, con đường ngắn nhất đi từ TP Thủ Đức qua huyện Nhơn Trạch là phà Cát Lái. Bên phía Đồng Nai, con đường nối vào bến phà thuộc xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch rất nhỏ hẹp, thường xuyên xảy ra kẹt xe vào các dịp nghỉ lễ.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, đồng ý xây cầu thay thế phà Cát Lái, vị trí tại Quận 2 cũ (nay là TP Thủ Đức, TPHCM) và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) vượt sông Đồng Nai.
UBND tỉnh Đồng Nai được giao triển khai thực hiện dự án Cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái.
Tỉnh Đồng Nai nhiều lần kiến nghị xây dựng cầu Cát Lái trong năm 2025 để sớm xóa bỏ phà Cát Lái.
Trong đó có vị trí cầu Cát Lái thay phà Cát Lái vẫn giữ nguyên theo quy hoạch trước đây. Ngoài cầu Cát Lái, Đồng Nai và TPHCM cũng đã thống nhất bổ sung thêm 2 cây cầu khác gồm cầu Đồng Nai 2 và Phú Mỹ 2 để kết nối 2 địa phương.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên báo Lao Động, hiện nay tại đường dẫn vào phà Cát Lái ở phía Đồng Nai rất nhỏ hẹp nằm trên trục đường chính của xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch.
Tuyến đường này được bao phủ bởi các khu dân cư với nhà cửa san sát, vỉa hè nhỏ hẹp.
Nhìn từ trên cao có thể thấy tuyến đường này, mỗi bên chỉ có một làn xe ôtô và một làn xe cho các phương tiện khác rất chật chội, đặc biệt là vào các dịp nghỉ lễ.
Khi tới gần phà, các phương tiện phải dừng lại để mua vé cũng như phải chờ phà tới.
Đại diện lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết: Cầu Cát Lái là mong mỏi của địa phương, đặc biệt là của người dân huyện Nhơn Trạch. Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai cũng xác định, cầu Cát Lái là trục đường chính nối vào đường 25C và đi thẳng vào sân bay Long Thành. Đây cũng là tuyến chính chia sẻ lưu lượng với tuyến chính cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Người dân vừa từ phà bên phía TP Thủ Đức (TPHCM) vào huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Ông Võ Tấn Đức - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã đề nghị TPHCM phối hợp để triển khai sớm dự án Xây dựng cầu Cát Lái. Xem xét, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này trong năm 2024, khởi công xây dựng vào năm 2025, không phải chờ đến sau năm 2026 khi dự án Đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - vành đai 3 hoàn thành đưa vào khai thác. “Việc xây dựng sớm cầu Cát Lái sẽ giúp giảm tải áp lực giao thông cũng như phục vụ khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành” - ông Võ Tấn Đức cho biết.
Dòng phương tiện xếp hàng từ cổng chào xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch đến phà Cát Lái dài hàng trăm mét vào dịp nghỉ Tết Dương lịch (1.1.2024). Ảnh: Nguyên Chân
Đồng Nai và TPHCM thống nhất hướng tuyến Dự án Xây dựng cầu Cát Lái theo ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, với quy mô đầu tư 6 làn xe, việc xây cầu Cát Lái sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), cầu Cát Lái là dự án nhóm A, thuộc công trình cấp đặc biệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn