MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu vực xây dựng dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế quy mô 880 ha thuộc địa phận xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TPHCM. Ảnh: Hữu Chánh

Hiện trạng vị trí xây khu đô thị đại học quốc tế gần 60.000 tỉ ở TPHCM

HỮU CHÁNH LDO | 04/10/2023 09:03

Từng được kỳ vọng là trung tâm đào tạo đại học hiện đại, nhưng sau 15 năm được cấp phép, Dự án Khu đô thị Đại học quốc tế Việt Nam vẫn là bãi đất hoang.

Dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế có quy mô 880 ha, nằm gần Quốc lộ 22 (đường Xuyên Á) và đường Đặng Công Bỉnh (đường Thanh Niên), được tách biệt hoàn toàn bởi hệ thống kênh đi qua địa bàn xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn, TPHCM). Phía Đông Nam giáp kênh An Hạ; phía Tây - Tây Nam giáp kênh Ranh Long An và kênh 8; phía Bắc giáp kênh Xáng.
Tổng mức đầu tư của dự án là 59.000 tỉ đồng (khoảng 2,5 tỉ USD). Mục tiêu là phát triển thành một khu đô thị - đại học quốc tế trong Khu đô thị Tây Bắc TPHCM, bao gồm khu giáo dục (các trường học từ cấp tiểu học đến đại học); khu dân cư; khu thương mại - dịch vụ; khu giải trí, y tế, thể thao; khu công viên; công viên công nghệ thông tin.
Quy mô dân số của Khu đô thị Đại học Quốc tế là khoảng 64.160 người. Dự án sẽ quy hoạch hệ thống đường đối ngoại có mặt cắt ngang 47 - 60 m. Các tuyến đường khu vực sẽ rộng 30 m. Các tuyến đường nội bộ rộng 10 - 29,5 m.
Dự án do Công ty TNHH Đô thị Đại học quốc tế Berjaya Việt Nam (Công ty Berjaya Việt Nam) làm chủ đầu tư, được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 1.7.2008. Nhà đầu tư lập tiến độ xây dựng và hoàn thiện dự án trong vòng 10 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty Berjaya Việt Nam đã tiến hành các thủ tục trình cơ quan nhà nước phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân để lấy đất làm dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính, dẫn đến chậm tiến độ.
Theo ghi nhận của Lao Động ngày 3.10, phần lớn diện tích được quy hoạch bên trong chỉ là bãi đất bị bỏ hoang và dấu tích của những căn nhà đã đập bỏ.
Cây cỏ mọc um tùm, các bức tường bám đầy rêu xanh khiến khu vực này trở nên hoang tàn.
Cạnh những ngôi nhà bị đập và bỏ hoang, nhiều hộ dân vẫn bám trụ trong khu quy hoạch treo. Theo thống kê, trong khu vực dự án hiện có khoảng gần 200 căn nhà, chủ yếu là nhà cấp 3 và cấp 4. Các công trình nằm rải rác dọc theo đường đê của kênh Xáng và kênh An Hạ.
Ông Phạm Văn Hùng (xã Tân Thới Nhì) cho biết, dự án được quy hoạch 15 năm nhưng tiến độ hiện nay quá chậm, ảnh hưởng đến đời sống người dân. "Gia đình tôi sống trong căn nhà bị xuống cấp, ẩm thấp, nứt tường nhưng không thể sửa chữa, đành phải sống tạm bợ" - ông Hùng nói và mong thành phố đẩy nhanh tiến độ dự án, tránh để lãng phí đất ảnh hưởng môi trường, xã hội.
Hiện trạng giao thông khu vực có các tuyến đường đất dọc kênh với tổng chiều dài gần 41 km, chiều rộng trung bình 4,3 m. Ngoài ra, còn có các tuyến đường đất khác với tổng chiều dài hơn 26 km, chiều rộng trung bình 3,1 m.
Khu vực này còn là nơi tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp của các công ty.
Dự án được kỳ vọng đẩy nhanh hình thành tiến độ cho Khu đô thị Tây Bắc (quy mô 6.000 ha), tạo nên khu đô thị hiện đại với môi trường học tập, làm việc... đạt chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, dự án nhiều năm vẫn “đắp chiếu“, chưa triển khai, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn