MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hình ảnh “cắt container” đẩy nhanh thông quan hàng hoá ở cửa khẩu Lạng Sơn

HỮU CHÁNH - TRẦN TUẤN LDO | 09/04/2022 10:55

Lạng Sơn - "Cắt container" - phương thức thông quan theo mô hình mới tại cửa khẩu Tân Thanh giúp năng lực thông quan đang dần được cải thiện và bước đầu có một số hiệu quả nhất định.

Bắt đầu từ cuối tháng 2.2022, tại khu vực Cửa khẩu Tân Thanh đã triển khai thí điểm phương thức thông quan theo mô hình đội xe chuyên trách. Theo đó, lái xe chuyên trách Việt Nam điều khiển đầu kéo cố định kéo container hàng sang địa điểm chỉ định tại bến bãi phía Trung Quốc rồi thực hiện việc “cắt container” để lại bến bãi phía Trung Quốc. 
Tiếp đến, đầu kéo phía Trung Quốc nối container và vận chuyển đi kiểm hoá, giao hàng sau đó kéo container rỗng về địa điểm ban đầu; đầu kéo Việt Nam sau khi cắt container sẽ kéo container hàng hoặc container rỗng về nước. 
Công đoạn "cắt container" từ đầu kéo đường dài sang đầu kéo của lái xe chuyên trách được thực hiện trong Bến xe Tân Thanh do Công ty Bảo Nguyên quản lý. Theo các công nhân trong bãi, quá trình “cắt container” thông thường kéo dài từ 10-15 phút, tuy nhiên nếu các container cũ thì công đoạn này có thể lên đến 30-45 phút.
Sau khi nối đầu kéo của lái xe chuyên trách vào container hàng hóa, các thủ tục xuất nhập khẩu sẽ được thực hiện. Theo đó, danh mục hàng hóa, trọng lượng xe, trọng lượng hàng... và nhiều thông tin khác sẽ được in, dán vào phía đuôi của container hoặc thùng xe tải. Ngoài ra, cabin của lái xe chuyên trách cũng được dán giấy niêm phong để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 theo yêu cầu của phía Trung Quốc.
Xe đầu kéo Việt Nam được yêu cầu niêm phong buồng lái, lái xe chuyên trách bắt buộc đeo khẩu trang, mặc quần áo bảo hộ và điều khiển phương tiện theo tuyến đường cố định khi lưu thông ở địa phận Trung Quốc. Ngoài ra, toàn bộ xe đầu kéo của Việt Nam và lái xe chuyên trách phải cố định, danh sách xe đầu kéo và lái xe chuyên trách phải cung cấp cho phía Trung Quốc để cùng quản lý. 
Bên cạnh đó, tổ chức lựa chọn container phải có kích thước cố định, thống nhất, có trọng lượng phù hợp với yêu cầu của Hải quan và Biên phòng Trung Quốc... Ngoài ra, các lái xe chuyên trách phải thực hiện quản lý tập trung, khép kín, phải được xét nghiệm COVID-19 định kỳ hàng ngày và phải gửi kết quả cho phía Trung Quốc cùng theo dõi.
Ở chiều ngược lại, các container hàng của Trung Quốc cũng trải qua các công đoạn tương tự trước khi được xuất khẩu sang Việt Nam. Sau khi tập trung vào Bến xe Tân Thanh, các container chở hàng của phía Trung Quốc (trái) sẽ được cắt khỏi đầu kéo, đấu đuôi vào container nhận hàng của phía Việt Nam để bốc dỡ hàng hóa.
Sau khi bốc dỡ hàng hóa, các container của Trung Quốc và Việt Nam sẽ được vận chuyển lại qua biên giới để trở về nước. Các container khi quay về có thể rỗng hoặc chở thêm hàng hóa để tối ưu công vận chuyển, tùy thuộc vào thỏa thuận giữa các doanh nghiệp.
Sau 3 ngày thí điểm, phương thức thông quan theo mô hình đội xe chuyên trách tại cửa khẩu Tân Thanh chính thức được vận hành từ ngày 26.2. Thời gian đầu, các lực lượng chức năng cũng như các doanh nghiệp của hai bên gặp nhiều khó khăn trong công tác phối hợp, dẫn tới kết quả chưa đạt được như kỳ vọng. Tuy nhiên, năng lực thông quan đang dần được cải thiện và bước đầu có một số hiệu quả nhất định.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, đây là dấu hiệu khả quan, cho thấy hiệu quả rõ rệt của phương thức giao nhận hàng hóa mới. Còn ở cửa khẩu Hữu Nghị, hiện tại 2 bên đã cơ bản thống nhất được phương thức giao nhận hàng hóa mới và đang chờ cấp trên phía Trung Quốc phê chuẩn. Tính đến 20h ngày 7.4, tại các cửa khẩu Lạng Sơn còn tồn 1414 xe hàng hoá, trong đó có 1157 xe hoa quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn