MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hình ảnh đường gần 400 tỉ đồng ở Hà Nội sau 4 năm thi công mở rộng

HỮU CHÁNH LDO | 12/03/2024 07:22

Hà Nội - Dự án nâng cấp, mở rộng đường Xuân Diệu dài gần 1,1km, tổng mức đầu tư 388 tỉ đồng, thi công từ năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Nguyên nhân là do 11 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường Xuân Diệu (quận Tây Hồ, Hà Nội) có chiều dài gần 1,1km, rộng 17-20m, được mở rộng trên cơ sở đường hiện có; trong đó lòng đường rộng 10,5m, hè rộng 5m. Điểm đầu dự án giao với đường Âu Cơ, điểm cuối giao với đường Nghi Tàm (thuộc địa bàn phường Quảng An và Tứ Liên).
Công trình có tổng vốn đầu tư 388 tỉ đồng, do UBND quận Tây Hồ làm chủ đầu tư, khởi công tháng 2.2020, dự kiến hoàn thành sau một năm. Tuy nhiên do gặp vướng mắc nên dự án đến nay vẫn chưa về đích như kế hoạch.
Theo ghi nhận của Lao Động ngày 11.3, sau 4 năm thi công, dự án đã cơ bản hoàn thành và thông tuyến kỹ thuật gần 1km.
Mặt đường đã cơ bản được thảm mịn, sơn kẻ mặt đường, trồng cây xanh, lắp đặt biển báo giao thông...
Tuy nhiên, đoạn đường hơn 100m chưa được mở rộng trở thành điểm nghẽn giao thông, gây ùn ứ suốt nhiều năm qua.
"Giờ cao điểm, các phương tiện xếp thành hàng dài, chen nhau nhích từng chút một. Người lớn, trẻ nhỏ đều mệt mỏi với ùn tắc" - chị Hoàng Thị Vân Anh (34 tuổi, Quảng An, Tây Hồ) nói và mong công trình sớm hoàn thành việc mở rộng để người dân đi lại đỡ cực.
Theo UBND quận Tây Hồ, để thực hiện dự án, quận đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư cho 159 trường hợp. Tổng số tiền bồi thường hỗ trợ đã phê duyệt là hơn 123 tỉ đồng (số tiền đã chi trả là hơn 90 tỉ đồng). Tổng số hộ đã bàn giao mặt bằng là 148/159 trường hợp. Vướng mắc chính của dự án là hiện còn tồn tại 11 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng (nằm toàn bộ phía kè hồ Tây với diện tích đất thu hồi 712,02m2) và bố trí tái định cư cho 9 trường hợp với 12 căn.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc, UBND quận Tây Hồ đã đề xuất thành phố cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù tương tự như khi thực hiện dự án đường Vành đai 4, để người dân thuộc diện giải phóng mặt bằng, ổn định cuộc sống và đỡ thiệt thòi khi Nhà nước thu hồi đất.
Tại buổi thị sát dự án hôm 6.3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường cùng UBND quận phối hợp rà soát, nghiên cứu kỹ tính pháp lý từ giai đoạn các hộ phải giải phóng mặt bằng liên quan đến triển khai kè hồ Tây và đường dạo quanh hồ cho đến nay là tiếp nối với đường Xuân Diệu.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố dự kiến có chủ trương hỗ trợ cơ chế, chính sách khác cho người dân. Cộng thêm công tác tuyên truyền, vận động đang được UBND quận Tây Hồ đẩy mạnh triển khai, hy vọng các hộ gia đình sẽ sớm bàn giao nốt mặt bằng để triển khai dự án.
UBND quận Tây Hồ báo cáo phấn đấu hoàn thành dự án trong quý 3/2024. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội yêu cầu phải rút ngắn tiến độ, hoàn thành vào cuối quý 2, đầu quý 3/2024, bảo đảm đồng bộ kết nối với các dự án giao thông huyết mạch đang được triển khai trên địa bàn quận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn