MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh, tư liệu lịch sử 60 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển, kỳ tích những chuyến tàu không số chi viện miền Nam trưng bày tại Bảo tàng Hải Phòng. Ảnh Mai Dung

Hình ảnh những đoàn tàu huyền thoại, ngày đêm chi viện miền Nam chống Mỹ

Đặng Luân LDO | 21/10/2021 16:32

Một trong những chiến công được coi như huyền thoại là mở đường vận tải quân sự chiến lược trên biển, còn gọi là đường Hồ Chí Minh trên biển, để vận chuyển vũ khí, trang bị chi viện cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng trưng bày triển lãm “Biển, đảo và Người chiến sĩ Hải quân – truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển" tại Bảo tàng Hải Phòng.

Cách đây 60 năm, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn 759, mở tuyến vận tải chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển, chi viện cho chiến trường miền Nam. Bến K-15 (Đồ Sơn, Hải Phòng) là nơi xuất phát chuyến tàu đầu tiên và nhiều chuyến khác của đoàn tàu "không số", vận chuyển vũ khí chi viện miền Nam. 
 Các “Đoàn tàu không số” rất mưu trí, sáng tạo tìm ra mọi phương thức vận chuyển hiệu quả, như: Địch phong tỏa biển gần, đường trong, ta đi biển xa, đường ngoài; địch phong tỏa theo tuyến biển dài, ta đi phân đoạn; địch ngăn chặn tuyến này, bến này, ta mở ra tuyến khác, bến khác. 
Đồng thời, tổ chức tiếp nhận, hoán cải phương tiện, kết hợp với ngụy trang, nghi binh, trà trộn vào các tàu, thuyền đánh cá của ngư dân, giữ bí mật, bất ngờ để vào bến nhanh, quay vòng tăng chuyến, bảo đảm an toàn, hiệu quả.  
Từ chỗ chỉ có tàu gỗ, tải trọng thấp, hoạt động ven bờ, Đoàn đã phát triển lên thành những đội tàu vỏ sắt, tải trọng lớn, hoạt động xa bờ, dài ngày, có trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của nhiệm vụ vận tải chi viện chiến lược bằng đường biển.  
 Trong suốt 14 năm (1961 - 1975), Đường Hồ Chí Minh trên biển đã tổ chức được 1.879 lượt tàu thuyền, vận chuyển 152.876 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh, 80.026 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam. 
Sự chi viện kịp thời góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, giải phóng Trường Sa và một số đảo trên vùng biển miền Trung và Tây Nam Tổ quốc, làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước. 
 Tàu vận tải Đoàn 125 Hải Quân vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam năm 1971. 
 Tàu vận tải cao tốc của Đoàn 125 tiếp tục vận chuyển vũ khí vào miền Nam. 
Các cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị cho chuyến vận chuyển hàng trong chiến dịch vận tải VT-5.  
 Tháng 10.1962, chuyến tàu đầu tiên chở 30 tấn vũ khí đến với lực lượng vũ trang Cà Mau, đáp ứng được “cơn khát” vũ khí của chiến trường Nam Bộ, mang theo tình cảm, trách nhiệm của hậu phương lớn miền Bắc đến với đồng bào miền Nam cũng như sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 
Những chuyến tàu cập bến thành công, chi viện cho miền Nam chống giặc.  
Thuyền gỗ tiếp nhận vũ khí từ Đoàn 125 Hải Quân chuyển vào tại Cà Mau năm 1963.  
Chuyển hàng xuống tàu  
Sở Chỉ huy Đoàn 125 theo dõi chỉ huy chiến dịch VT5. Ảnh tư liệu 
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng nhấn mạnh, đường Hồ Chí Minh trên biển là một phát kiến trong đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; lập nên kỳ tích lịch sử và trở thành một trong những nhân tố góp phần vào thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ đây, nhiều bài học lịch sử và kinh nghiệm về chỉ đạo chiến lược, sự phát triển nghệ thuật quân sự đặc sắc của chiến tranh cách mạng Việt Nam đã được đúc kết có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc, vận dụng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn