MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hình ảnh Vành đai 4 Vùng Thủ đô sau một năm thi công

HỮU CHÁNH LDO | 25/06/2024 16:43

Tròn một năm từ này khởi công, hình hài "siêu dự án" Vành đai 4 Vùng Thủ đô đã trở nên rõ nét. Hiện các nhà thầu đang đẩy nhanh thi công, đưa công trình về đích đúng tiến độ.

Vành đai 4 Vùng Thủ đô dài 112,8 km đi qua các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên, với tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỉ đồng. Dự án được khởi công ngày 25.6.2023.
Tại Hà Nội, dự án đi qua 7 quận, huyện gồm: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai và Thường Tín, với tổng chiều dài hơn 58 km. Tính đến nay, phần việc tiến triển rõ rệt nhất là hạng mục đường song hành (dự án thành phần 2.1) đi qua các quận, huyện thuộc TP Hà Nội.
Với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, các nhà thầu thi công dự án thành phần 2.1 đã tập trung nhân lực, phương tiện, thi công không có ngày nghỉ trên các công trường, quyết tâm hoàn thành tiến độ được giao.
Tại gói thầu Vành đai 4 đoạn qua xã Kim Hoa (huyện Mê Linh), đơn vị thi công đã hoàn thiện hạng mục đắp đất nền đường (K98), đắp bù lún và tiến hành rải được hơn 1km cấp phối đá dăm loại 1.
Công nhân thi công trụ cầu và lắp đặt các phiến dầm. Hạng mục cầu đảm trách 2 nhiệm vụ, vượt sông và vượt tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai đoạn đi qua Mê Linh.
Đại diện Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (đơn vị thi công) cho biết, gói thầu do nhà thầu phụ trách triển khai xây dựng 13 km, trên tuyến có 3 cây cầu. Hiện tại, nhà thầu triển khai 5 mũi thi công đường, 6 mũi thi công cầu. Tổng thể gói thầu do nhà thầu phụ trách đến nay đã hoàn thành khoảng 35% theo hợp đồng ký kết với chủ đầu tư.
Về tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, phần đất nông nghiệp cơ bản đáp ứng tiến độ, trừ phạm vi phải xử lý nền đất yếu. Công tác GPMB với đất ở, tái định cư và di chuyển công trình ngầm nổi vẫn còn chậm so với yêu cầu, khi mới chỉ đạt 97,86%. Trong ảnh là các hộ dân thôn Khê Ngoại 2, xã Văn Khê (huyện Mê Linh) chưa bàn giao mặt bằng cho dự án.
Theo chia sẻ của các nhà thầu, việc giải phóng mặt bằng không triệt để đang gây ra tình trạng thi công đứt đoạn trên công trường Vành đai 4. Hạ tầng kỹ thuật như cột điện cũng chưa được di dời, gây khó khăn cho việc thi công.
Về công tác tái định cư, UBND các quận, huyện ở Hà Nội nơi Vành đai 4 đi qua đã bố trí 13 khu tái định cư tại vị trí đẹp, thuận tiện giao thông, gần trường học, trung tâm hành chính, khu văn hóa, công viên… Đồng thời, các địa phương đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng các khu tái định cư đồng bộ, hiện đại như những khu đô thị mới.
Hình ảnh Vành đai 4 đoạn qua huyện Hoài Đức. Hình hài đoạn tuyến đã hình thành khi nhìn từ trên cao. Ảnh: Hữu Chánh
Tại gói thầu Vành đai 4 cắt qua Quốc lộ 6 (quận Hà Đông), trên công trường chủ yếu cào bỏ lớp đất cũ, đổ đất mới và lu lèn tạo nền đường, cấp phối đá dăm một số đoạn, đồng thời thi công hạ tầng thoát nước, cống hộp.
Vành đai 4 đoạn qua xã Vân Tảo, huyện Thường Tín. Phía xa là sông Hồng, nơi dự kiến sẽ xây dựng cầu Mễ Sở nối Hà Nội với Hưng Yên (thuộc Vành đai 4 Vùng Thủ đô). Ngoài Mễ Sở, hai cầu lớn khác trên Vành đai 4 gồm cầu Hồng Hà vượt sông Hồng và cầu Hoài Thượng vượt sông Đuống cũng sắp được triển khai xây dựng.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, lãnh đạo TP Hà Nội thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện. Nhiều cơ chế đột phá được thành phố thông qua, góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB chung của các dự án thành phần.
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng đường song hành trên địa bàn huyện Sóc Sơn và huyện Mê Linh trước ngày 31.12.2024 và hoàn thành toàn bộ đường song hành trong quý III/2025. Dự án thành phần 3 (xây dựng đường cao tốc trên cao theo phương thức PPP), dự kiến sẽ khởi công đầu quý IV/2024, hoàn thành năm 2027.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn