MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hôm nay tròn 4 tuần Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội

Nhóm PV LDO | 21/08/2021 12:26

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội Hà Nội nhất trí tiếp tục duy trì thực hiện việc giãn cách xã hội đến 6h ngày 6.9. Trong tuần vừa qua, Hà Nội tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp nhằm kiềm chế dịch bệnh.

Ngày 13.8, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội đã tiếp nhận 1 ôtô chuyên dụng tiêm vaccine phòng COVID-19 lưu động và sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian tới. Ảnh: Tùng Giang
Trong tuần qua, nhiều phiên chợ 0 đồng đã được tổ chức để hỗ trợ người lao động khó khăn trong đại dịch. Cầm trên tay những thực phẩm thiết yếu như như gạo, mỳ tôm, cá khô, thịt lợn, trứng, rau… bà Vũ Thị Lan (Hưng Yên) vô cùng xúc động. Bà Lan cho biết, cuộc sống ở quê khó khăn nên đã lên Hà Nội đi gánh hàng thuê ở chợ Long Biên tới nay đã gần 30 năm. Bao năm qua cũng từ công việc này giúp bà có thêm thu nhập lo cho gia đình, các con nên người. Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh bùng phát công việc của bà Lan cùng mọi người lao động bị ảnh hưởng, cuộc sống thêm khó khăn. Ảnh: Hà Phương
Kể từ 0 giờ ngày 14.8, 23.000 dân phường Chương Dương (Hoàn kiếm, Hà Nội) tiếp tục thực hiện cách ly y tế thêm 14 ngày. Sau hơn 1 ngày thực hiện, rất đông người dân đến khu vực này tiếp tế nhu yếu phẩm. Ảnh: Thế Kỷ
Ngày 16.8, Công an thành phố Hà Nội đã thành lập 6 tổ công tác đặc biệt làm nhiệm vụ kiểm soát chặt người và phương tiện đi lại trong các quận nội thành. Các tổ công tác tập trung cắm chốt trên những tuyến phố chính để kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện đi lại. Mục đích của tổ công tác là không để người không có lý do chính đáng ra khỏi nhà, tham gia giao thông, vi phạm quy định về giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Ảnh: Hà Phương
Từ ngày 18-20.8, TP Hà Nội triển khai đợt 2 lấy mẫu xét nghiệm cho khu vực nguy cơ cao và 13 nhóm người nguy cơ cao với số lượng 1 triệu mẫu xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR. Theo đó, 13 nhóm người nguy cơ cao được lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 là: Người giao hàng; người bán hàng tại các chợ truyền thống, chợ cóc; nhân viên bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại; người bán hàng tạp hóa tại nhà; nhân viên bán xăng; lái xe khu công nghiệp, đường dài; bảo vệ tại chung cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể; công nhân xây dựng đang mắc kẹt tại Hà Nội; nhân viên bán thuốc tại các quầy thuốc; người làm tại các kho hàng bán lẻ; người trực chốt kiểm dịch; lực lượng hỗ trợ chống dịch; nhân viên công ty môi trường đô thị trực tiếp thu gom rác (lái xe, lao công). Ảnh: Hoài Anh
Trong 2 ngày 17-18.8, Công an phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã triển khai, gặp gỡ được trên 150 chủ nhà trọ trao đổi, vận động và gửi thư kêu gọi các chủ nhà trọ giảm tiền nhà trọ cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch. Tính đến sáng ngày 19.8, Công an phường cùng các ban, ngành, đoàn thể tại phường đã vận động được 190 chủ nhà trọ thực hiện miễn giảm tiền thuê 1.295 phòng trọ cho người thuê trọ với tổng số tiền 664,4 triệu đồng.
UBND phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) yêu cầu tạm dừng kinh doanh trên các tuyến phố Gia Ngư, ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên (chợ Hàng Bè, hay còn được biết đến là “chợ nhà giàu“) để tăng cường kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: Tô Thế
0 giờ ngày 20.8, chợ đầu mối phía Nam (Hà Nội) chính thức được hoạt động trở lại sau hơn 20 ngày đóng cửa. Ảnh: Tùng Giang
Mặc dù UBND TP. Hà Nội đã ra công văn tạm dừng chợ cóc để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, thế nhưng tình trạng buôn bán tại các khu chợ này vẫn đang tiếp diễn. Khoảng 0h ngày 19.8, những chiếc xe máy đầu tiên chở đầy rau củ quả bắt đầu tập trung trước cổng chợ Ngã Tư Sở (Phường Ngã Tư Sở, Đống Đa, Hà Nội). Người dân đi chợ từ sớm để tránh chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 và không phải xuất trình giấy đi đường cho lực lượng chức năng. Ảnh: Tô Thế
Cuộc sống của những người vô gia cư vốn đã vất vả, nay lại khó khăn hơn gấp bội khi Thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trong số họ, có người hàng ngày mòn mỏi đợi một chiếc bánh mì, có người ăn mì tôm sống vì không có nước để pha. Tại gầm cầu vượt Mai Dịch, anh Trần Văn Hoàng (Tuyên Quang) vừa nhệu nhạo ăn mì tôm sống, vừa uống nước lọc để “nhanh no“. Trước thời điểm Hà Nội giãn cách, anh Hoàng làm xây dựng tại một số công trình. Tuy nhiên gần 1 tháng nay anh không có thu nhập do các hoạt động xây dựng phải tạm dừng để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Cầm cự được một thời gian, đến 4 ngày trước (16.8), anh phải dọn ra ngoài đường ở vì không có tiền trả tiền phòng. Ảnh: Hoài Anh
Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai - Nguyễn Quang Hiếu cho biết, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm được thông báo từ CDC Hà Nội về việc phát sinh ca 13 F0, quận đã cho phong tỏa toàn bộ tòa nhà HH4C, chung cư Linh Đàm. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị quận Hoàng Mai chỉ đạo lực lượng y tế trên địa bàn tổ chức lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ cư dân sinh sống tại tòa nhà HH4C Linh Đàm (phường Hoàng Liệt) xong trước 14 giờ 00 ngày 20.8. Ảnh: Tùng Giang
Ngày 20.8, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nhất trí tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6h ngày 6.9 trên phạm vi toàn thành phố để phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Tùng Giang

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn