MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hơn 20 năm sản xuất giày "độc nhất vô nhị" cho bệnh nhân phong đi lại

N.T LDO | 22/01/2020 13:30

Hơn 20 năm trôi qua, 6 người đàn ông trong xưởng giày của Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) vẫn miệt mài tạo ra những đôi giày “độc nhất vô nhị” để giúp các bệnh nhân phong thỏa mái hơn trong việc đi lại.

Cảm thông với sự bất hạnh của những bệnh nhân phong, năm 1997, xưởng giày của Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa chính thức được hình thành để bước chân những người bị bệnh phong không còn đau đớn.
 Trung bình mỗi năm xưởng giày cho ra đời khoảng 2.000 đôi giày. Không chỉ phục vụ bệnh nhân ở Quy Hòa, các đôi giày còn được đóng để cấp phát miễn phí cho người mắc bệnh, bị di chứng sinh sống tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
 Ông Lê Viết Đức (51 tuổi, phường Ghềnh Ráng) cho biết, thông thường, người thợ đảm nhận từ khâu đầu tiên đến khi hoàn thành sản phẩm như, đo đạc, thiết kế, gia công đến hoàn thiện. Nếu bệnh nhân bị bệnh nhẹ người thợ chỉ mất 1 ngày để hoàn thành 1 đôi; còn đối với những bệnh nhân bị biến dạng nặng thì phải thực hiện các kỹ thuật cao, tốn nhiều thời gian nên muốn tạo ra 1 đôi giày phải mất khoảng 2 ngày.
“Thời gian mới bắt đầu vào làm, kỹ thuật còn kém, gặp những bệnh nhân có bàn chân bị biến dạng nặng thì tôi gặp rất nhiều khó khăn. Qua thời gian kỹ thuật ngày càng tốt lên, công việc mới được đẩy nhanh. Thường đối với bệnh nhân nội trú, sau khi sản xuất xong, chúng tôi hẹn bệnh nhân đến đây để nhận, còn các bệnh nhân ở ngoại trú, chúng tôi sẽ đi về địa phương phát miễn phí cho bệnh nhân” - ông Đức kể.
Đặc biệt, với những bệnh nhân phong nặng, chân đã biến dạng như bị lật, vẹo, cụt hết ngón..., trước khi làm giày, bệnh nhân phải băng cuộn thạch cao để tạo âm bản. Sau khi âm bản khô, thợ giày phải tiếp tục cho thạch cao ướt vào để tạo dương bản, từ dương bản này để đóng giày.
Chất liệu chính để làm những đôi giày đặc biệt này là da hoặc giả da, phần đế trên sử dụng xốp, đế dưới dùng cao su cứng, còn hình dáng giày thì “muôn hình muôn vẻ”.
Bệnh nhân tìm đến xưởng giày rất đa dạng, người thì cụt hẳn hai bàn chân, người mất một bàn chân, có những bàn chân đã bị mất hẳn những ngón chân, có bàn chân bị mất gót… Thế nên những chiếc giày làm ra chẳng chiếc nào giống chiếc nào. Người thợ phải phụ thuộc vào hình dạng chân của bệnh nhân, rồi mới đo, vẽ tỉ mỉ để làm được những chiếc giày, dép phù hợp với từng người.
 Ông Nguyễn Văn Quế (kỹ thuật viên của xưởng) cho hay, khó nhất là những bàn chân bị biến dạng nặng, ví dụ như: bàn chân họ còn 1 nửa; có trường hợp bị nghiêng, lật, vẹo nhiều hướng; có nhiều bệnh nhân có vùng da nhạy cảm dễ gây thương tổn, ... Vì thế ngoài làm khung đế cho phù hợp, những người thợ còn thiết kế phần quay, đế bàn chân không bị biến dạng thêm.
Cũng theo ông Quế, lý do để ông gắn bó hơn 20 năm nay với nghề là vì bệnh nhân phong, khi làm được một đôi giày, đôi dép để bệnh nhân phong cảm thấy thoải mái đi lại. Những điều đó khiến ông Quế cùng những đồng nghiệp của mình cảm thấy hạnh phúc và càng gắn bó, say mê với công việc hơn.
“Khi đi các tỉnh khác, tôi thấy nhiều hoàn cảnh bệnh nhân phong rất khó khăn, có những người bị bệnh phải bó từng miếng vải để đi lại, thấy vậy, tôi càng cố gắng tìm hiểu sâu hơn để tạo ra những đôi giày để cải thiện cuộc sống cho những người bệnh nhân phong” – ông Quế nhớ lại.
Ông Nguyễn Văn Lan (66 tuổi, quê ở tỉnh Bình Định) chia sẻ: “Giày này mang rất thỏa mái, đặc biệt giày này có lớp xốp nên mềm, không gây đau, còn lớp đế là lớp su cứng tránh những vật nhọn giúp bảo vệ chân”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn