MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hơn 35 năm nặn tò he, đưa tuổi thơ trở về với người dân Hải Phòng. Ảnh: Lương Hà

Hơn 35 năm nặn tò he, đưa tuổi thơ trở về với người dân Hải Phòng

Lương Hà LDO | 12/03/2023 14:00

Trong ký ức tuổi thơ của mỗi thế hệ người Việt xưa chắc hẳn không thể thiếu món đồ chơi dân gian "tò he". Và để giữ gìn nét đẹp văn hoá dân gian đó, bà Tống Thị Thuý Tám - nghệ nhân nặn tò he hơn 35 năm tại Hải Phòng vẫn hàng ngày tâm huyết,  đưa tuổi thơ về với người dân thành phố Cảng.

Để giữ gìn món quà tuổi thơ của bao thế hệ Việt, tại thành phố Cảng nhộn nhịp vẫn còn một người phụ nữ miệt mài nặn tò he, lưu giữ nét truyền thống văn hóa dân gian này. 
 Suốt hơn 35 năm gắn bó với nghề, bà Tống Thị Thuý Tám (56 tuổi, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) chia sẻ: "Để có thể giữ được nghề, suốt nhiều năm nay, tôi thường xuyên đến các lễ hội trên địa bàn hay kết hợp với ban tổ chức các sự kiện có mô hình chợ quê tại thành phố để có thể xuất hiện và ngồi nặn tò he, đưa mọi người trở về với tuổi thơ. Bên cạnh đó, một phần giúp tôi có nơi để sáng tạo, phát triển nghề nặn tò he này."
Bàn nặn to he ở đâu là ở đó người dân háo hức, quây quần ngồi xem nghệ nhân Tám nặn.
Mong đợi bà Tám làm tò he hình con gà trống mang về tặng con gái, anh Nguyễn Văn Thắng (huyện Tiên Lãng) cười, nói: "Phải đến 15 năm rồi nay tôi mới có  cảm giác được quay lại tuổi thơ, nên tôi cũng ngồi lại xem cô nặn và đặt mua 1 chú gà trống nhỏ, mang về cho con gái chơi. Nhớ ngày bé cứ thấy xe tò he là chạy theo xem các cô, các bác nặn rồi xin mẹ tiền, tích góp mua lấy 1 con để chơi, sau đó đợi tò he khô, đem nướng chín có thể ăn được."
Theo bà Tám, nguyên liệu chính để nặn tò he là từ bột gạo nếp, gạo tẻ nên rất thân thiện với môi trường. “Có một khoảng thời gian trước đây các sản phẩm tò he không được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, gần đây, giới trẻ cũng đã quan tâm nhiều hơn. Bởi vậy, tôi cũng sáng tạo, nặn ra nhiều hình thù mới, phù hợp hơn trong thời hiện đại và gắn với tuổi thơ của các em nhỏ.” - Nghệ nhân Tống Thị Thúy Tám nói.
 Hình nặn tò he được thay đổi với nhu cầu của người dân, có đầy đủ các kiểu dáng từ truyền thống là linh vật gà, hổ, chuột... đến các nhân vật trong phim hoạt hình hiện đại. 
“Để nặn được hình tò he giống với hình thật, ngoài việc khéo léo, cẩn thận, những người nặn tò he như chúng tôi cần phải có trí tưởng tượng phong phú thì mới cho ra được sản phẩm có hồn” - Bà Tám cho hay.
Nhiều người lại nhanh tay tham gia trải nghiệm cùng nghệ nhân Tống Thị Thuý Tám hay lưu lại cho mình những hình ảnh nặn tò he đầy thú vị.
"Tôi hay gặp cô tại các sự kiện, lễ hội, mỗi lần gặp tôi đều ghé vào ngồi xem cô nặn để trở về với tuổi thơ, rồi mua tò he về cho con trai chơi. Bình thường mua tò he của cô có giá 30.000 đồng/sản phẩm, tôi thấy mức giá này khá hợp lý" - chị Đoàn Thu Thủy (quận Lê Chân) cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn