MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

KĐT Ngoại giao đoàn: Bệnh viện Ung bướu bị phản đối, "đắp chiếu" hoang lạnh

Tuấn Anh - Phương Duy LDO | 18/06/2020 11:03
Sau thời gian dài vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân, Bệnh viện Ung bướu Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản tại Khu đô thị (KĐT) Ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) không thể triển khai, nằm hoang lạnh, gây mất mỹ quan.
Dự án Bệnh viện Ung bướu Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản nằm tại lô DDMKT1, khu Ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội) với quy mô 100 giường nội trú và 250 giường ngoại trú chất lượng cao.
Tuy nằm trên đất quy hoạch của KĐT Ngoại giao đoàn nhưng ông Nguyễn Đỗ Quý - Phó Tổng Giám đốc Hancorp tuyên bố đã bàn giao đất cho thành phố và không còn liên quan gì.
Được biết, UBND TP Hà Nội đã cho phép Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Y học Việt Nam - Nhật Bản (Vija Metech JSC) khởi công xây dựng từ đầu tháng 3.2017 với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng. Bệnh viện này có diện tích 4.800m2, mặt sàn xây dựng 28.000m2. 
Tuy nhiên ngay từ những ngày đầu khởi công xây dựng, bệnh viện này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân sinh sống quanh đây, nhiều cư dân KĐT Ngoại giao đoàn đã kịch liệt phản đối dự án này với lý do xây dựng trên đất vốn được quy hoạch là khu đầu mối kỹ thuật của KĐT.
Người dân KĐT Ngoại giao đoàn cho rằng việc thay đổi quy hoạch có sự chưa minh bạch, đồng thời lo ngại việc xây dựng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và khẳng định chưa từng được hỏi ý kiến đánh giá tác động môi trường khi bệnh viện này bắt đầu xây dựng. Sự phản đối lên tới đỉnh điểm vào tháng 5.2019 khi hàng trăm cư dân khu đô thị Ngoại giao đoàn tập trung phản đối việc điều chỉnh quy hoạch xây bệnh viện ung bướu tại đây.
Theo ghi nhận của PV, việc xây dựng bệnh viện này đã bị “đóng băng“. Bảng tên đề thông tin công trình không còn đề rõ là “Bệnh viện ung bướu Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản” như trước.
Cổng vào công trường lênh láng nước, cỏ mọc um tùm và cực kỳ mất mỹ quan.
Vật liệu “đắp chiếu“, không có dấu hiệu xây dựng dẫn tới gỉ sét nghiêm trọng. 
Trao đổi với PV Lao Động, cư dân tại KĐT Ngoại giao đoàn cho biết, nguyên nhân bệnh viện vẫn “đắp chiếu", không thể khởi công của công trình này là vì chủ đầu tư chưa xin được giấy phép.
“Chủ đầu tư giờ lại muốn chuyển bệnh viện này thành bệnh viện đa khoa, quy mô lớn hơn, thêm tầng, thêm giường, thêm khoa, xin lại giấy phép khác. Họ sẽ phải đánh giá tác động môi trường lại, tuy nhiên bây giờ người dân không thể đồng ý“, bà T.D (một người dân sống tại KĐT Ngoại giao đoàn) nói.
Bà T.D khẳng định, để có thể xây dựng bệnh viện như trên, CĐT bệnh viện không lấy ý kiến đánh giá tác động môi trường đối với người dân trong KĐT Ngoại giao đoàn mà lấy ở nơi khác. "Thủ thuật" tráo cư dân này đã bị người dân Khu đô thị Ngoại Giao đoàn phát hiện và gây nên một làn sóng giận dữ, phản đối mạnh mẽ. “Chủ đầu tư đã sai từ đầu khi biến đất công thành đất tư, ngay kể cả thay đổi trong cái giấy phép là bệnh viện đa khoa nhưng cái lõi vẫn là trung tâm ung bướu, có cả xạ trị như cũ, sinh ra thêm một số khoa để làm vỏ bọc“, bà T.D nói thêm.
“Họ lại làm đánh giá tác động môi trường và chúng tôi đi họp, nhưng kiên quyết không đồng ý. Đến bây giờ vẫn chưa được đánh giá tác động môi trường nên đắp chiếu nằm đấy“, một người dân tại KĐT Ngoại giao đoàn chia sẻ.
Sau thời gian dài vấp phải sự phản ứng quyết liệt của cư dân KĐT Ngoại giao đoàn, Bệnh viện Ung bướu Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản vẫn chỉ là khối bê tông hoang lạnh bên cạnh những tòa nhà hiện đại, gây mất mỹ quan cho một khu đô thị được coi là “đáng sống nhất Hà Nội“.

Trong buổi làm việc mới nhất giữa Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội với UBND quận Bắc Từ Liêm, UBND phường Xuân Tảo, TCty xây dựng Hà Nội, Công ty cổ phần Phát triển Công nghệ Y học Việt Nam - Nhật Bản... diễn ra hôm 16.6, cư dân KĐT Ngoại giao đoàn tiếp tục phản đối việc xây dựng bệnh viện ung bướu và đề nghị các cơ quan chức năng sử dụng lô đất này vào mục đích khác để đảm bảo vệ sinh môi trường và an ninh trật tự, phục vụ lợi ích cộng đồng.

Tuy nhiên trái ngược với ý kiến người dân, UBND phường Xuân Tảo cho rằng "việc xây dựng bệnh viện là rất cần thiết để phục vụ cho cư dân của phường" và đề nghị nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng sang bệnh viện đa khoa...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn