MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kênh thoát nước bị "bức tử", sân bay Tân Sơn Nhất bị đe dọa khi mưa lớn

MINH QUÂN LDO | 14/04/2020 13:04

Kênh A41 và kênh Hy Vọng – hai hướng thoát nước chính cho sân bay Tân Sơn Nhất - ngập kín rác, nổi lềnh bềnh toàn hộp xốp, túi nilon, chai lọ, vật dụng gia đình và cả vật liệu xây dựng. Sân bay Tân Sơn Nhất lại căng thẳng lo ngập khi mùa mưa tới.

Kênh Hy Vọng dài khoảng 1,8 km chảy qua phường 15, quận Tân Bình, sau đó đổ ra kênh Tham Lương. Cùng với kênh A41 và Nhật Bản, đây là nơi thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, hạ lưu kênh Hy Vọng đoạn giáp với đường Phan Huy Ích ngập kín rác, bốc mùi hôi thối. Ảnh: Minh Quân
Các loại rác như chai nhựa, túi nilon, mút xốp, xác động vật... phủ kín mặt kênh.
Bà Hoành Thị Lài, đã hơn 20 năm sống tại khu vực này, cho biết rác ngập kín kênh hơn 6 tháng nay nhưng không thấy nhân viên vệ sinh môi trường đến khơi thông. Ảnh: Minh Quân
“Khu vực thượng nguồn dòng kênh Hy Vọng tập trung nhiều công ty, chợ và khu dân cư xả thải rác với khối lượng lớn. Do đó, khi lượng rác này đổ về khu vực cầu Hy Vọng bị dồn ứ lại gây nên tình trạng ô nhiễm trầm trọng”- bà Lài phản ánh.
Rác đặc kín miệng cống gây cản trở và tắc nghẽn dòng chảy khi có mưa lớn. Ảnh: Minh Quân
Dự án cải tạo kênh Hy Vọng được UBND TPHCM chỉ đạo thực hiện cấp bách từ năm 2013 nhưng phải đến năm 2016, thiết kế cơ sở của dự án mới được UBND TPHCM phê duyệt. Tưởng chừng dự án sẽ được khởi công đúng như kế hoạch nhưng việc Ngân hàng Thế giới (WB) ra thông báo dừng hỗ trợ 400 triệu USD cho dự án “Quản lý rủi ro chống ngập cho TPHCM” khiến việc cải tạo kênh Hy Vọng đi vào bế tắc.  Ảnh: Minh Quân
Năm 2018, Trung tâm chống ngập TPHCM kiến nghị UBND thành phố cải tạo kênh Hy Vọng bằng vốn ngân sách với tổng kinh phí khoảng 150 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được phê duyệt trong khi kênh Hy Vọng ngày càng ô nhiễm. Ảnh: Minh Quân
Kênh A41 (thuộc phường 4, quận Tân Bình) dài khoảng 2 km. Kênh này có hai nhánh bắt đầu từ 2 cống thoát nước của Sân bay Tân Sơn Nhất, hợp dòng tại khu vực đường Giải Phóng. Kênh dẫn nước ra đường Cộng Hòa rồi đổ vào hệ thống cống ngầm về kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Giống như kênh Hy Vọng, rác thải từ các nơi đổ về ứ đọng dày đặc tại các miệng cống trên kênh A41. Ảnh: Minh Quân
Kênh A41, đoạn từ đường Phan Thúc Duyện đến đường Cộng Hòa rác thải trải đầy trên kênh khiến dòng nước bị ô nhiễm, bốc mùi hôi thối khó chịu, một số cống thoát nước bị tắc nghẽn. Ảnh: Minh Quân
Theo quan sát, nhiều đoạn mặt kênh bị bồi lấp nặng nề, đủ loại rác thải như rác sinh hoạt, chất thải, phế phẩm, trụ xi măng, than tổ ong, xà bần, cành cây…  Ảnh: Minh Quân
Nhiều đoạn nước chuyển màu đen bốc mùi hôi thối nồng nặc. Rác thải qua nhiều năm bám dày đặc hai bên bờ kênh, là nơi để chuột làm ổ. Ảnh: Minh Quân
Người dân đổ các loại rác thải dọc bờ kênh A41, mỗi khi có mưa lớn số rác này tràn xuống kênh gây tắc nghẽn cống. Ảnh: Minh Quân
Chính quyền địa phương cho biết thường xuyên tuyên truyền không xả rác, vứt rác xuống kênh, nhưng ý thức người dân sống xung quanh kênh chưa cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường đang rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Ảnh: Minh Quân
Theo kế hoạch, dự án cải tạo kênh A41 dự kiến khởi công vào cuối năm 2017, hoàn thành năm 2018. Tuy nhiên, đến nay công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án này vẫn chưa hoàn thành. Đại diện UBND quận Tân Bình cho biết việc giải tỏa tương đối khó khăn do hầu hết đất trong khu vực này là đất được cấp cho gia đình quân nhân, rất phức tạp về pháp lý. Có nhiều trường hợp lòng kênh “nằm gọn” trong nhà dân. Ảnh: Minh Quân

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn