MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kéo co ngồi - Di sản Văn hóa Phi vật thể của đền Trấn Vũ

Thanh Dung LDO | 18/04/2018 23:13
Cứ vào ngày 3.3 (âm lịch) hàng năm, tại Lễ hội đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, TP Hà Nội) lại long trọng tổ chức lễ hội truyền thống, trong đó nghi thức kéo co ngồi không thể thiếu ở phần hội 

Nghi thức kéo co ngồi vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu quốc gia, được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Nghi thức thể hiện khát vọng hạnh phúc của nhân dân, cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Các đội tham gia được chia thành 3 mạn: mạn Chợ, mạn Đường, mạn Đìa. Mỗi mạn có từ 15-19 hoặc 25 người tùy theo từng năm. Trước khi kéo co, các trai làng trong mạn đều phải mang lễ vật là mâm xôi, thủ lợn phủ mỡ chài tập trung trước sân đền để mang lên lễ Thánh.
Các tổng cờ và dân làng làm lễ trước cửa đền, tiếp đến tổng cờ 3 mạn đại diện 3 đội lên nâng cây song (3 lần theo nghĩ lễ), đồng thời bốc thăm thi đấu, khởi động và ra xới kéo được dựng trước đền.
Tổng cờ mạn đại diện cho đội lên thắp hương trước đền.
Các trai tráng nâng cây song và di chuyển về nơi thi đấu. Nghi thức kéo co ngồi cũng giải mã việc thần Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ là thần trị thủy, gắn với ý thức chống lụt của cư dân vùng châu thổ sông Hồng.
Nam mỗi đội cởi trần, mặc quần ngắn, buộc thắt lưng đỏ, đầu chít khăn đỏ. Mỗi mạn có một tổng cờ mặc áo đỏ - khăn đỏ. Điều đặc biệt của trò kéo co ngồi là phải thực hiện trên nền ruộng hoặc nền đất, dây song luồn qua một chiếc cột lim chôn xuống đất.

Tại xới kéo, gốc dây song được luồn qua lỗ. Người kéo 2 mạn ngồi chân co chân duỗi, đội hình ngồi xen kẽ 2 bên dây song, mỗi người một tay duỗi thẳng, tay kia co trước ngực. Sau khi có hiệu lệnh, nêm được tháo ra, hai tổng cờ chạy lên chạy xuống phất cờ hô kéo ở mạn của mình cho đến khi kết thúc hiệp đấu.
Những người tham gia thi đấu ngồi bệt xuống đất, chân co, chân duỗi, lấy gót chân làm điểm tựa để kéo nên được gọi là kéo co ngồi. Các trai tráng tham gia kéo co đều được tuyển chọn trong làng từ 18 đến 35 tuổi, có sức khỏe tốt.
Mỗi thành viên tự đào hố làm điểm tựa dưới chân mình.
Sự quyết tâm được biểu hiện rõ  trên gương mặt của mỗi thành viên các đội.
Cổ động viên cổ vũ nhiệt tình khiến không khí thi đấu càng trở nên sôi nổi.
Thành viên mạn Đường thi đấu hết mình trong trận thi đấu cuối để tìm ra đội thắng cuộc.
Cây song phải có độ dài khoảng 50m, đường kính 5cm, gốc và ngọn bằng nhau, độ tuổi khoảng 30-40 năm. Cây song mua về được ngâm dưới giếng nước 1 tháng trước khi mang lên kéo. Giếng vuông nghè đằng Đông được chọn để ngâm cây song này.
Người dân có niềm tin nếu mạn Đường thắng thì cũng là năm dân làng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Năm nay, mạn Đường đã giành chiến thắng thuyết phục trước mạn Đìa và mạn Chợ. Nhân dân hào hứng, phấn khởi và hi vọng vào một năm mới làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn