MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khám phá hầm bí mật để vũ khí tấn công Dinh Độc Lập vào Tết Mậu Thân 1968

Chân Phúc LDO | 30/04/2022 08:00

TPHCM - Căn hầm bí mật nằm trong căn nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, từng chứa hơn 2 tấn vũ khí các loại để các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn sử dụng tấn công vào Dinh Độc Lập ngày mùng 1 tết Mậu Thân năm 1968.

Nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3, TPHCM) nhưng căn nhà số 287/70 vẫn thu hút đông đảo người đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử. Căn nhà nhỏ bé này chính là căn cứ bí mật, nơi các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn cất giấu vũ khí và ẩn náu để chờ ngày tấn công Dinh độc lập mùa xuân năm 1968.
Bên trong căn nhà, những hình ảnh, hiện vật về trận đánh Tết Mậu Thân năm 1968 được lưu giữ cẩn thận. Trong đó, nổi bật là hình ảnh về quá trình xây dựng và tiếp nhận vũ khí tại căn hầm bí mật; hình ảnh 17 chiến sĩ Biệt động Sài Gòn tham gia trận đánh; hình ảnh về trận đánh Dinh Độc Lập... cùng các hiện vật như máy ảnh, kéo cắt vải, dây cước làm rèm cửa, bộ ván để ngụy trang giấu vũ khí, cà tăng ngụy trang giấu súng AK và B40...
Ông Nguyễn Thanh Chi (57 tuổi, cựu chiến binh đang trông coi di tích) cho biết, căn nhà này được ông Trần Văn Lai (biệt danh Năm Lai, Mai Hồng Quế) mua vào năm 1965 cùng với hai căn ở hai bên. Vì nằm giữa, có diện tích nhỏ (dài 14,9m, rộng 2,5m), có hai mặt tiền nên vợ chồng ông chọn để đào hầm bí mật. Trong ảnh, ông Chi đang chỉ tay về hình ảnh ông Năm Lai - chiến sĩ biệt động Sài Gòn gan dạ, chủ nhân căn hầm bí mật chứa hơn 2 tấn vũ khí.
Cũng theo ông Chi, căn nhà này không chỉ nhỏ hẹp không ai để ý tới mà còn có thuận lợi vì nằm trong hẻm toàn người Hoa sinh sống bằng nghề mua bán ve chai, giấy vụn. Để ngụy trang, ở phía trước nhà ông Năm Lai đặt bàn máy may làm việc (thời điểm này ông Năm Lai đang làm việc trong Dinh Độc Lập, chuyên lo cung cấp nội thất của Dinh). Cứ đêm xuống, ông Năm Lai cùng người vợ thứ hai của mình là bà Đặng Thị Thiệp âm thầm đào hầm, đưa đất ra ngoại thành đổ để che dấu vết. Hơn một năm ròng rã, hai vợ chồng người chiến sĩ quả cảm này đã hoàn thành căn hầm bí mật sâu 1.9m, rộng 1.4m và có chiều dài là 8m, chứa được hơn 2 tấn vũ khí, đồng thời có lỗ thông hơi, nắp hầm bên trên nền nhà.
Lối vào của hầm nằm ngay tại nền phòng khách, cửa căn hầm bí mật được ngụy trang như những viên gạch xung quanh, vừa đủ cho một người lên, xuống. Đây chính là cánh cửa dẫn đến căn hầm lớn nhất, chứa đựng nhiều vũ khí nhất ở nội thành Sài Gòn lúc bấy giờ. Từ năm 1966 - 1968, đơn vị bảo đảm chiến đấu đã vận chuyển tới hầm gần 2 tấn vũ khí gồm súng và đầu đạn B40, súng AK, bộc phá, kíp nổ, súng ngắn, lựu đạn, đạn các loại… thông qua việc ông Năm Lai mua hàng hóa cho Dinh Độc Lập, ngụy trang trên xe chở các chậu cảnh, sọt hoa quả...
 Đêm mùng 1, rạng sáng ngày mùng 2 Tết Mậu Thân (ngày 31.2.1968), 15 chiến sĩ Đội 5 thuộc Cụm Biệt động Sài Gòn 3-4-5 đã tập kết tại căn hầm bí mật này và nhận vũ khí, tiến công Dinh Độc Lập.
 Hình ảnh vũ khí bên trong hầm, dùng để triển lãm cho khách tới tham quan.
Năm 1988, căn nhà được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, mang tên "Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn