MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những hàng gạch được nối dài tăm tắp, chờ ngày vào lò...

Khám phá quy trình làm gạch tại “vương quốc đỏ” ở Vĩnh Long

PHONG LINH LDO | 25/04/2022 07:00
Tỉnh Vĩnh Long không chỉ nổi tiếng bởi những miệt vườn trái cây trĩu quả mà còn nổi tiếng với “vương quốc đỏ” - làng nghề làm gạch tại Mang Thít…
Khu vực làng nghề gạch nung trải dài hơn 30km từ TP Vĩnh Long tới địa phận huyện Long Hồ và huyện Mang Thít. Trong đó, xã Nhơn Phú của huyện Mang Thít là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất gạch hơn.
Theo chia sẻ của một chủ cơ sở tại ấp Phú Hòa (xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long), ban đầu khi mới hình thành, mỏ đất sét nguyên liệu được người dân khai thác dưới sông để đưa vào sản xuất gạch ngói. Tuy nhiên, theo thời gian, lượng đất sét không đủ để cung cấp nên ngày nay các cơ sở làm gạch truyền thống thường mua lại đất sét từ những địa phương khác. 
 Lượng đất sét sau khi vận chuyển về cơ sở sẽ được người dân cắt thành khối, cho lên dây chuyền vận chuyển đến máy nghiền đất. Mỗi ngày, người chịu trách nhiệm làm khâu này sẽ cho lên máy khoảng 10.000 khối đất.  
Đất được nghiền nhuyễn pha thêm một lượng nước vừa đủ sẽ tạo độ mềm dẻo, tơi xốp, giúp tạo khối, in hoa văn gạch dễ dàng hơn.  
Những người làm gạch cho biết, trong dây chuyền sản xuất gạch, đây là chiếc máy nguy hiểm nhất. Do đó, người tham gia sản xuất tại làng gạch ngói đều hạn chế đến khu vực này và luôn theo sát để nhắc nhở khách du lịch để đảm bảo an toàn. 
Sau khi nghiền nhuyễn, dây chuyền sẽ đóng khuôn gạch ngói, in hoa văn và bắt đầu công đoạn cắt gạch thô. 
 Đây là công đoạn được đánh giá là khó nhất đối với nghề làm gạch truyền thống. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người làm gạch để tránh làm biến dạng khối gạch vừa được đóng khuôn.  
Thao tác của người làm gạch phải nâng niu, nhẹ nhàng từng động tác để đảm bảo tiến độ, thẩm mỹ trước khi xếp ngay ngắn những viên gạch thô lên xe chuyển đến khu vực phơi gạch.
Hoa văn được in trên gạch thường là biểu tượng của những cơ sở xây dựng hợp tác cùng làng nghề
Sau khi được xếp lượng gạch vừa đủ, người thợ sẽ vận chuyển đến khu vực phơi.
 Những viên gạch được xếp ngay ngắn dưới nắng khoảng 5 ngày để giảm độ ẩm và tăng độ cứng, không bị biến dạng trước khi vào lò. 
 Sau đó, người dân sẽ tiếp tục chọn lọc những viên gạch chất lượng, dỡ gạch và cho vào lò nung.
Gạch được nung bằng trấu với quy trình kiểm tra, canh lửa rất cẩn trọng. Để đảm bảo gạch ‘chín’ vừa đúng, mỗi lò chứa khoảng 15.000 viên, nung trong 20 ngày thì ra thành phẩm. Sau khi nung, thành phẩm thu được là những viên gạch đỏ au đúng chuẩn. 
Trong suốt thời gian nung, người làm gạch phải canh lửa liên tục để đảm bảo chất lượng của gạch. 
Cận cảnh 1 dãy thành phẩm gạch ống "đỏ au" đang chờ vận chuyển đến các địa phương.
Rời làng gạch Mang Thít, đi dọc dòng sông Cổ Chiên, ngày nay người ta vẫn còn thấy xa xa nhiều lò gạch nằm trơ mình trong nắng gió. Trao đổi với báo Lao động, đại diện UBND xã Nhơn Phú cho biết: 5 -7 năm về trước, tại Nhơn Phú có đến 1.040 lò gạch. Do hiện nay giá cả thị trường, chất đốt lên cao, làm gạch không còn lợi nhuận nên nhiều người đã chuyển sang nghề khác. Địa phương đang khuyến khích chuyển sang mô hình công nghệ mới giúp người dân giảm sức nặng công việc và cũng để đời sống của bà con ngày một tốt hơn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn