MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Không khí tất bật làm bánh trạng đón Tết Đoan Ngọ ở làng nghề trăm tuổi

NGUYÊN ANH LDO | 25/06/2020 09:02
Những ngày đầu tháng 5 âm lịch, không khí nhộn nhịp của làng nghề làm bánh trạng “Trao Tráo” trước thềm Tết Đoan Ngọ khiến ai cũng nôn nao. Nghề bà truyền cháu, cứ thế tồn tại và phát triển hơn trăm năm qua ở ấp Trao Tráo, xã Thạnh Hòa, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.
Bánh trạng (bánh ú nước tro) là nét văn hóa độc đáo của ấp Trao Tráo hơn trăm năm qua. Cả ấp có khoảng 50 hộ làm nghề. Dịp cao điểm Tết Đoan Ngọ, bình quân mỗi hộ làm khoảng 25.000 chiếc bánh. Từ xa, mùi thơm của những nồi bánh trạng đã kéo chân những ai đi ngang qua làng nghề. Bước vào sẽ choáng ngợp vì những chùm bánh treo khắp nhà.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hiển, chồng là Nguyễn Văn Nhớ đã theo nghề hơn 10 năm do đời ông bà, cha mẹ truyền lại. Mỗi gia đình có cách làm khác nhau, tuy nhiên phải có những bí quyết riêng để bánh làm ra ngon. Ông Nhớ chia sẻ: “Nghề này cực lắm, mà bỏ không được. Riết quen rồi tiếp tục truyền cho con cháu”.
Dịp Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5) là bánh trạng gói không kịp tay. Khắp làng nghề các bếp đều rực lửa từ sáng đến tối. Riêng gia đình bà Hiển đã thuê thêm 10 nhân công để làm từ đêm khuya đến chiều tối mà vẫn không kịp giao cho khách. Năm nay, gia đình bà Hiển xuất bán khoảng 30 thiên bánh (30.000 cái bánh) đi các nơi chỉ trong vòng khoảng 5 ngày.
Nguyên liệu làm ra bánh khá đơn giản gồm nếp ngâm nước tro, nhân đậu xanh, lá tre để gói. Những chiếc bánh gói đều góc từ bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người thợ từ cách bẻ góc, cách để nếp, nhân sao cho vừa phải.
Đặc biệt của bánh không phải phần nhân mà lại là phần vỏ bánh. Vỏ lên màu vừa đẹp vừa trong ăn dẻo, không quá nhão, không bị đắng vậy mới ngon. Bà Hiển chia sẻ thêm: “Bí quyết là ở công đoạn ngâm nếp trong nước tro. Nhà tôi sử dụng các loại cây gỗ như gòn, nhàu... đốt cháy ra lấy tro ủ nếp mới ngon. Tro mua ở chợ ủ rất dở, làm bánh đắng và độc hại”.
Tương tự bà Hiển, gia đình bà Trần Thị Nga (65 tuổi) đã có gần 25 năm trong nghề. Từ tờ mờ sáng bà Nga và các con, cháu trong nhà đã cặm cụi ngồi gói bánh. Không chỉ bán ở địa phương bánh của bà còn gửi đi bán ở các tỉnh, nhiều nhất là TPHCM.
Mỗi ngày, các chị gói nhanh có thể được 1.500 cái. Giá thuê gói 1.000 cái là 250.000 đồng. Mỗi chị em trung bình kiếm được trên dưới 300.000 đồng/ngày và bao ăn, ở. Chị Võ Thị Thúy Hằng, người làm bánh thuê cho bà Nga kể: “Nghề làm bánh này thì theo thời vụ, dịp này làm không kịp thở. Ngày thường thì ít mình làm những việc khác”.
Bánh trạng của gia đình bà Trần Thị Nga đóng thùng xốp gửi đi cho khách ở TPHCM, đợt này gia đình làm khoảng hơn 20 thiên bánh.
Chị Đỗ Linh Trang - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thạnh Hòa cho biết: Dù mang lại lợi nhuận và thu nhập cao cho bà con nhưng bánh trạng “Trao Tráo” vẫn chưa thực sự có một vị trí xứng đáng. Địa phương rất mong mỏi có một cái tên thương hiệu cho bánh. Còn hiện tại, người dân chỉ biết làm ra và gọi theo tên địa danh ấp chứ chưa đăng ký thương hiệu. Sắp tới, xã sẽ đề xuất ý kiến lên trên về vấn đề đăng ký thương hiệu loại bánh này cũng như tương lai thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã giúp chị em phụ nữ có nghề nghiệp, không bỏ địa phương đi làm ăn xa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn