MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khu di tích 225 tỉ đồng mọc đầy cỏ hoang, không người qua lại

ĐÌNH TRỌNG LDO | 30/12/2023 07:21

Tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, Khu di tích địa đạo Tam Giác Sắt được xây dựng quy mô, tuy nhiên, một thời gian dài không được chăm sóc, cỏ dại mọc đầy lối đi, một phần di tích như rừng hoang.

Đây là khu di tích Địa đạo Tam Giác Sắt, tại xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Khu di tích này cách thành phố Thủ Dầu Một khoảng 15km và nằm đối diện với UBND xã An Tây.
Khu di tích Địa đạo Tam Giác Sắt được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương quyết định đầu tư xây dựng trên diện tích 17,7ha đất với tổng vốn hơn 225 tỉ đồng vào năm 2009, xây dựng đến năm 2012 thì hoàn thành đi vào hoạt động.
Đây là một công trình khá quy mô, được đầu tư xây dựng với mục đích để nhân dân trong và ngoài nước về đây kính viếng, tưởng nhớ đến những người đã anh dũng hy sinh bảo vệ vùng đất này.
Tuy nhiên, những tháng gần đây, công trình này bị cử tri phản ánh nhiều hạng mục xuống cấp, di tích không được duy tu sửa chữa. Cỏ dại không được phát quang, một phần di tích như rừng hoang.
Có mặt tại khu di tích những ngày cuối năm 2023, phóng viên Báo Lao Động ghi nhận cảnh hoang vắng ở nơi đây, gần như không có khách ghé thăm.
Nhiều cây cảnh không được chăm sóc đã bị chết khô.
Nhiều điểm tường bị nứt toác, đá ốp bị bong tróc.
Từ bên hông nhìn vào biểu tượng Tam Giác Sắt cỏ dại mọc đầy che kín lối đi và tầm nhìn.
Phía dưới biểu tượng Tam Giác Sắt, cỏ cây bít lối vào tầng hầm, lâu ngày không được cắt tỉa.
Càng đi sâu vào bên trong, cảnh hoang phế càng nghiêm trọng. Cỏ cây lâu ngày không được phát quang đã che hết các biển báo.
Đường đi vào lá rụng đầy từ lâu không được quét dọn.
Cành cây gãy đổ xuống lối đi cũng không được thu dọn.
Mái che đường đi xuống địa đạo cũng sụp đổ, lâu ngày không được sửa sang.
Nhiều căn nhà cỏ cây mọc um tùm che kín không thể đi vào, cũng khó nhìn thấy.
Một số căn nhà trong khu di tích lẽ ra phục vụ cho trưng bày tham quan thì có dấu hiệu trở thành nơi ở sinh hoạt của cá nhân. Quần áo, đồ nấu nướng, chén bát bày bừa bãi.
Dây điện kéo trong khu di tích thì đứt, chắp nối sơ sài. Điều này có thể gây nguy hiểm cho khách tham quan.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, di tích địa đạo do Bảo tàng tỉnh Bình Dương trực tiếp quản lý. Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Lê Văn Phước - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Dương cho biết, nguyên nhân để công trình xuống cấp và cỏ hoang mọc đầy là do mấy năm rồi chưa có kinh phí.
Việc có người ăn ở sinh hoạt bên trong di tích, ông Lê Văn Phước giải thích, là anh em bảo vệ và tạp vụ ở.
Về việc dọn dẹp cỏ hoang, chỉnh trang lại khu di tích, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Dương cho biết, đang triển khai cho dọn dẹp lại.
Những hình ảnh nhếch nhác kéo dài đến dịp cuối năm ở khu di tích mang tính lịch sử được đầu tư hàng trăm tỉ khiến người dân không khỏi xót xa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn