MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kiếm nửa triệu/ngày từ nghề cấy thuê ở Thái Bình

Lương Hà LDO | 03/07/2024 08:59

Thái Bình - Vào vụ cấy, nông dân ở quê lúa Thái Bình lại tranh thủ kiếm thêm thu nhập từ nghề cấy thuê. Tùy vào tay nghề, người dân có thể kiếm 400.000-1.000.000 đồng/ngày.

Những ngày này, nhiều địa phương ở quê lúa Thái Bình đang vào mùa cấy. Để kiếm thêm thu nhập, người dân ở đây tranh thủ xuống đồng đi cấy thuê.
Ghi nhận của PV Báo Lao Động chiều 2.7, tại khu vực cánh đồng xã Hồng Bạch (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), nhiều gia đình có diện tích ruộng lớn ở đây đều thuê thêm nhân công để cấy lúa cho kịp vụ.
Để thuận tiện cho công việc, hầu hết những người đi cấy thuê đều lập nhóm từ 4 đến 6 người, nhận việc làm cùng nhau.
Di chuyển từ nhà đến xã bên cạnh để cấy thuê, bà Tuyền (ở xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng) cho biết: "Tùy vào khoảng cách chúng tôi di chuyển sẽ được trả công từ 350.000 - 400.000 đồng/ngày hoặc khoán theo sào, khoảng 350.000 đồng/sào (sào Bắc Bộ). Những ngày vào vụ mùa cao điểm, chủ ruộng phải báo chúng tôi trước. Với mức giá trên, dù nhận việc theo ngày hay khoán theo sào thì chủ ruộng đều phải có mặt, nhổ mạ buộc thành từng bó rải đều lên ruộng trước khi chúng tôi đến làm việc".
Theo những người thợ cấy, nhiều gia đình khoán theo sào không nhổ mạ sẵn mà thuê thợ cấy nhổ sẽ tính với mức giá 400.000 đồng/sào.
Nhiều người thợ cấy có kinh nghiệm lâu năm và tốc độ cấy nhanh thường nhận khoán theo sào. Ông Nguyễn Văn Hoàn (xã Hồng Bạch, huyện Đông Hưng) cho hay: “Với sức đàn ông như chúng tôi, vào mùa cấy thường chọn cấy khoán theo sào để có thu nhập cao hơn. Khi mạ được chuẩn bị sẵn tại ruộng, tôi đi từ 4h sáng đến 18h chiều có thể cấy được khoảng 3 sào/ngày, kiếm khoảng hơn 1.000.000 đồng/ngày“.
Những đôi bàn tay bị nước ăn tay, cáu bám đổi màu vì đi cấy thuê. "Nghề cấy lúa thuê mỗi năm chỉ có 2 vụ, mỗi vụ kéo dài gần 1 tháng nên chúng tôi phải tranh thủ từng ngày. Làm nghề này vất vả lắm, cả ngày phải cúi khom lưng, chân tay ngâm dưới bùn nên tối về lưng lại đau ê ẩm, mỏi gối nhưng phải cố gắng, sáng hôm sau lại dậy sớm đi làm tiếp. Phần lớn những người làm nghề cấy đều là phụ nữ trung tuổi", bà Nguyễn Thị Thuân (xã Hồng Bạch, huyện Đông Hưng) chia sẻ.
Là xã thuần nông, ông Nguyễn Duy Thịnh - Chủ tịch UBND xã Hồng Bạch (huyện Đông Hưng) cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích đất trồng lúa trên địa bàn xã khoảng 470ha, vụ mùa vừa qua năng suất khoảng 61 tạ/ha.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn