MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kim tiêm bủa vây di tích gần đồn Mang Cá thuộc Kinh thành Huế

PHÚC ĐẠT - NGUYỄN LUÂN LDO | 04/03/2023 11:28

THỪA THIÊN HUẾ - Sau gần 3 năm phát hiện, hai cổng thành bằng gạch nằm hai bên Đông thành Thuỷ Quan (lối vào sông Ngự Hà, Di tích Kinh thành Huế) không được tôn tạo. Với thực trạng để hoang, đây hiện là địa điểm hoạt động của những đối tượng nghiện ngập.

Cuối tháng 6 năm 2020, trong quá trình tiến hành tháo dỡ, di dời các hộ dân ở Thượng Thành (phường Thuận Lộc, TP. Huế), các ban, ngành chức năng và giới chuyên môn đã phát hiện 2 cổng thành bằng gạch vồ nằm hai bên Đông thành Thủy Quan, lối vào sông Ngự Hà.
Tiến sĩ Trần Đình Hằng - Phân Viện trưởng - Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam ở Huế từng nhận định, cổng này nằm ở vị trí rất quan trọng trong hệ thống phòng thủ của triều Nguyễn, do gần với Trấn Bình Đài (đồn Mang Cá), nơi đặt các pháo đài bảo vệ Kinh thành Huế xưa.
Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế - chia sẻ, Đông thành Thủy Quan là khu vực phòng thủ trọng yếu của hệ thống Kinh thành Huế xưa. Chắc chắn những cổng thành này được xây dựng cùng thời điểm với Kinh thành Huế, bởi nó mang lối kiến trúc và cách thức xây dựng đồng dạng với Kinh thành Huế và có tính thẩm mỹ độc đáo. Ông Hoa nhận định, có thể vì một số lý do bí mật về phòng thủ nên những cổng thành này ít ai nhắc đến.
Đặc điểm, vị trí của di tích: Cổng thứ nhất được phát hiện nằm bên phải cầu Lương Y, cổng vòm xuyên thành có độ dày khoảng 60 cm, rộng 80 cm, cao 100 cm, phía dưới là những tảng đá xanh còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, sau 3 năm không ai ngó ngàng, tại đây đã trở thành “bãi kim tiêm” của những con nghiện.
Cổng thứ hai nằm phía tay trái cầu Lương Y. Với hình thù và kích thước giống với cổng thứ nhất, tuy nhiên cổng này đã bị bịt kín bằng gạch táp lô do người dân xây dựng nhà ở mấy chục năm trước.
“Sau đợt di dân trên Thượng Thành cho đến nay, tôi chưa thấy ai tới để dọn dẹp vệ sinh hay tôn tạo 2 cái cổng này, cỏ dại mọc um tùm, gạch vữa của nhà dân còn sót lại 3 năm trước vẫn chưa được dọn đi. Nghiện ngập tụ tập chích hút xả lại hàng trăm cái kim tiêm, điều này 3 năm trước hầu như không có”. Ông Ngô Hùng, một người dân sống gần đó thông tin.
Thời điểm phát hiện 2 cổng thành này, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, hiện, trung tâm đang nghiên cứu, lên phương án bảo tồn, phát huy giá trị của hai chiếc cổng gạch nói trên. Việc này nằm trong kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị toàn hệ thống Kinh thành Huế sau khi di dời dân cư. Song song với việc phục hồi sẽ tiến hành khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch bền vững trên nền tảng hệ thống Ngự Hà và di sản Kinh thành Huế...
Tuy nhiên, sau gần 3 năm kể từ thời điểm phát hiện 2 cổng thành, hiện nay, di tích đã có dấu hiệu xuống cấp do không được đầu tư bảo vệ và trùng tu. Lối vào cũng như xung quanh hai cổng thành cỏ mọc um tùm, rậm rạp chắn cả lối đi. Tường thành nứt nẻ diện rộng do thời gian.
Đáng buồn hơn, tại đây bây giờ lại là tụ điểm tập trung của các đối tượng nghiện ngập, mất trật tự xã hội. Các dụng cụ tiêm chích vương vãi khắp nơi trên mặt đất gây mất an toàn khi tiếp cận khu di tích này.
Đối mặt với tình trạng bỏ hoang kéo dài cùng với sự xuống cấp của di tích theo thời gian, có thể việc trùng tu và sửa chữa về sau sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn. Điều này có thể đe dọa đến quẩn thể di tích cố đô cũng như gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn