MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Làng cốm Nông Xá (Hải Phòng) tất bật những ngày gần Tết trung thu. Ảnh MD

Kỳ công làm cốm mộc dẻo, thơm của nông dân làng Nông Xá Hải Phòng

Mai Dung LDO | 29/09/2020 09:13

Về làng Nông Xá (xã Tân Tiến, An Dương, Hải Phòng) những ngày tháng 8 Âm lịch, đường làng, ngõ xóm đượm hương cốm mới. Bên chảo rang, cối đá, những người dân trong làng cần mẫn làm việc, gìn giữ nghề cốm mộc truyền thống có từ hàng trăm năm.

Chiều 28.9 (12 tháng 8 Âm lịch), các nẻo đường về thôn Nông Xá (Tân Tiến, An Dương) thơm mùi nếp non. Theo ông Nguyễn Văn Đê, người có hơn 40 năm kinh nghiệm làm cốm, làng nghề làm cốm mộc Nông Xá có từ hàng trăm năm, truyền từ đời này qua đời khác. Đến nay, mặc dù cả làng chỉ còn ít hộ làm cốm, những người thợ cùng đều tuổi cao, nhưng họ vẫn bám trụ với nghề, lưu truyền công thức cho ra những mẻ cốm thơm, mềm, ngọt mà các thế hệ để lại. Ảnh MD
Cuối giờ, bà Nguyễn Thị Bầu, vợ ông Đê nhanh tay khùa bể thóc ngâm, vớt sạch sẽ trấu, hạt gạo bị lép. Bà Bầu cho biết, chất lượng thóc nếp quyết định đến độ ngon của cốm. Để có được những mẻ cốm ngon cung cấp cho nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, vợ chồng bà Bầu phải tìm mua thóc "chuẩn" nếp cái hoa vàng. Sau đó mang về phơi một vài nắng rồi mới đem ngâm, đãi trấu, tạp từ 8-9 tiếng. Ảnh MD
Những hạt thóc nếp căng tròn, sạch sẽ sau nhiều công đoạn sơ chế cầu kì của người thợ làm cốm. Ảnh MD
Bên cạnh yếu tố quan trọng chọn thóc nếp, với người làng Nông Xá, việc rang thóc trước khi giã thành cốm cũng đòi hỏi sự chú tâm, tỉ mỉ. "Trước đây phải đảo thóc bằng tay, vất vả mà lại không năng suất. Từ đó chúng tôi thiết kế máy đảo thóc, nhưng vẫn phải điều chỉnh lửa, lửa phải đều, không được quá to, quá nhỏ, rang khoảng 8-10 phút" - ông Nguyễn Văn Đê cho biết.
Thóc sau khi rang được bỏ vào máy sàng để loại bỏ trấu trước khi bỏ vào cối đá giã thành cốm. Ảnh MD
Người thợ làm cốm Nông Xá luôn tay đảo thóc trong quá trình giã thóc để vỏ vỡ thành trấu còn hạt dẹp thành cốm. Ảnh MD
Phần cốm giã xong được chuyển sang công đoạn tách mùn, trấu. Lúc này, người nông dân chuẩn bị 1 2 quạt điện rồi đổ cốm giã từ trên cao, thổi bay hết trấu. Ảnh MD
Công đoạn cuối cùng là sàng cốm. "Cốm đạt tiêu chuẩn là cốm sạch, không còn bụi trấu. Vì vậy, mỗi mẻ trấu, người thợ phải sàng 3-4 lần, đến khi nào sạch mới cho vào túi, chuyển đến tay khách hàng"- bà Tha, 70 tuổi, người dân xóm Nam, làng Nông Xá cho biết.
Cả làng Nông Xá hiện còn ít hộ làm cốm mộc như nhà ông Đê. Các hộ làm cốm quanh năm, song đợt tháng 8 Âm lịch, nhất là những ngày cận Tết trung thu là sản lượng cao hơn cả. Mỗi ngày gia đình ông Đê dậy từ 2h sáng, làm cốm đến tận 6-7 giờ tối mới được gần 2 tạ cốm bán ra thị trường Hải Phòng và các tỉnh, thành phố trên cả nước với giá mỗi kg cốm mộc từ 40-50.000 đồng
Ngoài cốm mộc, nhiều hộ làng Nông Xá mua lại cốm mộc chế biến cốm rang, nhà rang mỡ, rang bơ, rang đường, muối tùy theo nhu cầu khách hàng. Những hạt cốm mộc dẻo, thơm sau khi rang vẫn giữ được hương vị lúa non, giòn tan trong miệng. "Tết trung thu, nhà nhà quây quần với đĩa cốm rang, cốm dẻo, ăn cùng chuối chín cây, ấy là thú vui của người dân làng Cốm. Đến giờ, người trẻ trong làng không ai theo nghề, chỉ còn hầu hết người già, tôi chỉ mong còn nhiều sức khỏe để duy trì nghề truyền thống, nét đặc trưng của làng Nông Xá" - ông Bùi Văn Tuyển, 62 tuổi, người có hơn 20 năm làm cốm cho biết. Ảnh MD

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn