MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kỳ công phục hồi 11 sắc phong Vua ban của "điền dã" Hà Nội

PHONG LINH - MINH ÁNH LDO | 18/09/2022 15:47

Hà Nội - Từ niềm đam mê văn hóa dân tộc Việt Nam và nhiều năm kinh nghiệm trong việc phục hồi văn bản cổ, nhóm người trẻ đã tìm đến một ngôi đình ở Tây Mỗ để tiến hành phục hồi 11 sắc phong theo sự hướng dẫn của Ban Quản lý di tích.

Sắc phong được hiểu là văn bản của nhà Vua ban để phong chức tước cho quý tộc, quan chức, khen thưởng những người có công hoặc phong thần và xếp hạng cho các vị thần, thành hoàng được xây dựng trong các đình, làng thuộc xã của người Việt. Vì trải qua nhiều thăng trầm thời gian nên hầu hết các sắc phong tại làng ngày nay không còn nguyên vẹn.
 Để phục hồi sắc phải trải qua rất nhiều công đoạn kì công. Đầu tiên là đánh giá hiện trạng hiện vật để đưa ra phương án trùng tu thủ công tại đình. Nếu có văn bản quá cũ, người đánh giá sẽ mang đến trung tâm Lưu trữ Quốc gia để tu bổ.
Bước kế tiếp, người phục hồi sẽ tiến hành vệ sinh sắc phong bằng cồn để loại bỏ bụi bẩn qua nhiều năm. Vì sắc được làm bằng giấy dó và có niên đại hàng 100 năm tuổi nên người trùng tu phải thật tỉ mỉ, kĩ càng. 
 Sau khi vệ sinh văn bản sẽ là công đoạn “ép” thủ công văn bản bằng hai lớp giấy dó. Đặt 1 lớp giấy dó lên tấm kính nhựa rồi phết một lớp hồ để tạo độ dính cho giấy. 
Kế đến là cẩn thận đặt sắc phong lên giấy dó và tỉ mỉ dán từng mảnh giấy vụn đã rơi rớt qua nhiều năm để trả lại hình dáng nguyên vẹn cho sắc phong.
 "Đây là công đoạn công phu và tốn nhiều thời gian nhất. Do đó, chúng tôi phải thật tập trung, nắn nót từng mảnh vụn để giữ nguyên vẹn sắc phong" - anh Nguyễn Văn Phán (trưởng nhóm, học viên cao học Chuyên ngành Quản lý Văn Hóa, trường Đại học KHXH&NV) chia sẻ.
 Bản sắc phong đã nhuốm màu thời gian.
 Tiếp theo, người phục hồi sẽ phết thêm một lớp hồ lên sắc phong rồi trải tiếp một lớp giấy dó lên lên trên để cố định sắc phong. Để đảm bảo hai mảng giấy dó ép chặt sắc phong, họ sẽ trải thêm một lớp khăn xô lên hiện vật rồi dùng con lăn lăn đều trước khi mang phơi.
Bạn Trần Anh Phúc (sinh viên ĐH KHXH&NV, Hà Nội) cho biết, phải chọn những nơi khô, thoáng và tránh ánh nắng quá gay gắt của mặt trời để phơi sắc trước khi bốc sắc phong ra khỏi mặt kính. Cho đến khi cắt bỏ những phần viền thừa cuối cùng trên 11 sắc phong, tất cả mọi người mới thở phào nhẹ nhõm. 
"Cũng nhờ sự tin tưởng của Ban Quản lý di tích, mình thấy phải có trách nhiệm hơn với việc bảo tồn di sản của nước nhà. Chúng mình vẫn sẽ cháy mãi ngọn lửa nghề và tiếp tục truyền lửa cho những thế hệ trẻ yêu mến văn hóa Việt Nam” - anh Phán chia sẻ thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn