MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuồn chuồn tre Thạch Xá.

Làng chuồn chuồn tre lớn nhất Hà Thành “cất cánh” đón Rằm Trung thu

Trường Hùng LDO | 14/09/2018 14:00

“Bay vừa” là cách nói đầy ý nhị của người dân làng nghề sản xuất chuồn chuồn tre Thạch Xá (xã Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội) về những tháng bán chậm, trong đó tháng 8 âm lịch. Cũng như câu ca dao “Chuồn chuồn bay vừa thì râm”, chữ “ bay vừa” ở đây còn có nghĩa “bán bình thường”, bán không nhiều cũng không ít trong dịp Rằm Trung thu năm nay.

Theo người dân nơi đây, khác với đồ chơi dân gian khác (đèn ông sao, đèn kéo quân) thường bán nhiều vào dịp Rằm tháng Tám, còn chuồn chuồn tre lại chỉ bán nhiều trong khoảng thời gian từ khoảng tháng 12 âm lịch năm cũ cho tới tháng 3 âm lịch năm sau. Do thời điểm này thường diễn ra nhiều lễ hội, đặc biệt là lễ hội Chùa Tây Phương được tổ chức trên địa bàn (từ ngày 5 đến ngày 7.3 âm lịch).
Bà Nguyễn Thị Xoan (thôn Đồng Sống) – nghệ nhân sản xuất chuồn chuồn tre cho biết, cũng tại lễ hội này, cách nay 16 năm (năm 2002) có một du khách đến thăm chùa và có mang theo “chuồn chuồn tre”. Những người bán hàng ở ven đường vào chùa khi đó thấy đẹp nên có về họa làm theo và hình thành làng nghề sản xuất chuồn chuồn như ngày nay.
Ban đầu sản phẩm chuồn chuồn tre còn đơn điệu, tre chủ yếu lấy ở quanh làng, còn màu là phẩm màu công nghiệp và hoàn toàn làm bằng thủ công nên số lượng sản xuất ra cũng ít.
Sau này trước thách thức của các đồ chơi hiện đại, người dân đã mạnh dạn cải tiến mẫu mã, nhập tre từ các tỉnh (Hòa Bình, Hà Giang), dùng sơn dầu để tô và kết hợp với viền nhũ khiến cho sản phẩm ngày càng bắt mắt. Bên cạnh đó, để sản xuất ra số lượng lớn và nhiều, người dân mạnh dạn đưa máy móc vào sản xuất như: máy khoan, máy cắt tre, mô tơ mài cánh.
Bằng những cách thức đó, sản phẩm của làng nghề ngày càng được ưa chuộng, không chỉ được xuất đến nhiều tỉnh thành trong nước như: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM, Vĩnh Long... mà còn được xuất khẩu sang Đức và Nhật, đặc biệt là ở Nhật.
Hơn nữa, nhận thức được vẻ đẹp của đồ chơi dân gian này ngày càng có nhiều đoàn học sinh, đoàn du khách đến địa bàn thăm quan, yêu mến món đồ chơi dân gian được làm từ cây tre mộc mạc gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân khi xưa.
Không chỉ tạo thu nhập ổn định – trung bình mỗi tháng thu nhập 10 triệu đồng, bà Xoan còn tạo công ăn việc làm cho từ 6-7 lao động, công mỗi ngày dao động từ 80.000-150.000 đồng.
Hiện tại sản phẩm chuồn chuồn tre trên địa bàn có có 5 kích cỡ: 20cm (7.000 đồng), 15cm (6.000 đồng), 12cm (5.000 đồng), 10cm (5.000 đồng), 7cm (5.000 đồng) và 3 loại đế để chuồn chuồn đậu: đế 1 chân (3.000 đồng), đế 2 chân (4.000 đồng), đế 3 chân (5.000 đồng).
Ông Nguyễn Văn Hùng – Phó thôn 9, xóm Đồng Sống cho biết, hiện nay có khoảng 160/200 hộ dân trên địa bàn làm nghề này. Người dân nơi đây coi sản xuất chuồn chuồn tre là một nghề phụ, tranh thủ những lúc rảnh rỗi đồng áng, chăn nuôi họ mới làm. Tuy nhiên cũng có một số hộ gia đình tập trung đầu tư, chủ động trong việc quảng bá, kết nối để tiêu thụ sản phẩm nên đời sống của họ có sự khởi sắc rất lớn (xây nhà, mua xe).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn