MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làng hương truyền thống hàng trăm năm tuổi ở Huế nhộn nhịp những ngày Tết

PHÚC ĐẠT - NGUYỄN LUÂN LDO | 14/02/2024 16:00

HUẾ - Bên cạnh duy trì truyền thống làm hương bằng hình thức thủ công, nhiều năm nay, tại làng hương Thủy Xuân (TP. Huế) việc sản xuất hương bằng máy đã cho ra nhiều sản phẩm, cây hương đẹp và cân đối hơn so với khi làm thủ công bằng tay.

Dịp cận Tết Giáp Thìn 2024, chúng tôi đã ghé thăm làng hương Thủy Xuân (TP. Huế), một địa phương nổi tiếng với nghề truyền thống làm hương, hình thành và phát triển từ thời nhà Nguyễn đến tận ngày nay.
Có lẽ cái tên làng hương ở Huế đã quá đỗi quen thuộc đối với nhiều người, những bó tăm hương đa màu sắc, được trưng bày nổi bật dọc cung đường Huyền Trân Công Chúa, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, check-in hàng năm.
Làng hương Thủy Xuân cung cấp cho thị trường đủ các loại hương như: hương quế, hương dầu sả, hương thơm tẩy mùi, nhang vòng,... trong đó, nổi bật nhất là hương trầm.
Hương ở Thủy Xuân có mùi thơm đặc trưng và chất lượng tốt. Hầu hết người dân ở đây đều làm nghề se hương, sống bằng nghề làm hương.
Trong quá trình tìm hiểu làng nghề truyền thống này, phóng viên chúng tôi đã được dịp trò chuyện cùng nhiều nghệ nhân có thâm niên trong nghề làm hương tại Thủy Xuân để tìm hiểu quy trình sản xuất.
Theo chia sẻ của các nghệ nhân, ngày xưa, để làm nên những nén hương đòi hỏi rất nhiều nguyên liệu, trải qua các bước vô cùng công phu.
Bắt đầu từ công đoạn chuẩn bị thảo mộc đem nghiền nhuyễn, để trộn thành bột hương, trong đó bước nhồi bột tương đối vất vả và đòi hỏi nghệ nhân phải đều tay, cân đo đong đếm vừa đủ tỉ lệ nước và bột.
Tiếp đến, để giúp cây hương cứng chắc và không bị mọt, chân nhang phải làm từ cây tre lồ ô và được ngâm nước thật lâu, giúp loại bỏ bớt chất xơ.
Để có cây hương tròn đều, tay người thợ phải thoăn thoắt, dứt khoát trên bàn se. Tiếp đó, phủ một lớp bột áo màu vàng, nâu hương quế. Và cuối cùng là nước phơi khô, nắng đẹp sẽ phơi trong vòng 1 ngày là hương đã cháy đều.
Tuy nhiên, ngày nay, bên cạnh duy trì truyền thống làm hương thủ công, thì hầu hết các hộ gia đình, cơ sở đều dùng máy móc, sản phẩm cho ra cũng có nhiều ưu điểm.
Bà Lê Thị Lan (67 tuổi) gắn bó với công việc làm hương đã 30 năm nay cho biết, thời trước làm hương thủ công rất vất vả, sản xuất chậm và mất nhiều công sức, càng về sau việc làm thủ công vẫn được phát huy, đồng thời áp dụng máy móc vào sản xuất để phục vụ nhu cầu lớn của khách hàng.
“Khi làm hương bằng máy, mỗi ngày sẽ cho ra được nhiều sản phẩm hơn, nhanh hơn và đặc biệt là cây hương đều, không bị chênh lệch như khi làm thủ công.”, bà Lan nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khoa Thùy (một nghệ nhân) chia sẻ, việc duy trì làm hương bằng thủ công vẫn luôn được duy trì, tuy nhiên khi sản xuất bằng máy, chất lượng sản phẩm sẽ tốt hơn, trung bình một người làm máy sẽ năng suất gấp 5 lần người làm tay và đặc biệt giúp các nghệ nhân đỡ phần vất vả.
Tận dụng lợi thế của làng nghề, người dân làng hương Thủy Xuân vừa phát triển sản xuất, vừa giữ gìn nghề truyền thống, đồng thời kết hợp làm du lịch như tạo không gian cho du khách tham quan, chụp hình, trải nghiệm làm nghề, mua sắm các sản phẩm hương trầm và quà lưu niệm...
Nghề làm hương đã giúp địa phương này trở thành một trong những điểm đến “hút khách” bậc nhất của Cố đô Huế suốt nhiều năm nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn