MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làng làm đồ chơi trung thu truyền thống tất bật vào vụ

hải nguyễn - nguyễn huế LDO | 22/08/2022 15:05
Những ngày này tại làng Ông Hảo (Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên), những người thợ làm đồ chơi Trung thu truyền thống lại hối hả làm trống, mặt nạ giấy bồi...
Làng Ông Hảo (Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên) là một trong những làng nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống nổi tiếng khắp cả nước. Nghề truyền thống của làng đã có từ khoảng những năm cuối 80, đầu 90 của thế kỷ trước.
Ngoài làm trống gỗ, mặt nạ giấy bồi cũng là sản phẩm chính của làng. Những món đồ chơi hoàn toàn được làm thủ công từ các nguyên liệu thân thiện như tre, nứa, giấy bìa,... đa dạng kiểu dáng, mang đậm bản sắc dân tộc.
Là một trong gần 10 hộ dân ở làng còn làm đồ chơi Trung thu ở làng Ông Hảo, xã Liêu Xá, vợ chồng ông Vũ Duy Đông (69 tuổi) và bà Vũ Thị Hạnh (64 tuổi) cùng cô cháu gái tất bật hoàn thiện đơn hàng để giao cho khách.
Ông Đông cho biết đã gắn bó hơn 40 năm với nghề. “Cũng có những khoảng thời gian khó khăn khi sản phẩm làm ra mà không ai mua. Nhưng rồi mình cứ kiên trì, vừa là vì yêu vừa với mong muốn giữ gìn nghề truyền thống. Tôi rất vui vì những năm gần đây, mọi người tìm đến đồ chơi Trung thu truyền thống của làng nhiều hơn“, ông Đông chia sẻ.
Bà Hạnh, vợ ông Đông tỉ mỉ sơn màu mặt nạ giấy bồi. Mặt nạ có nhiều hình dạng khác nhau, mô phỏng nhiều nhân vật như Ông Địa, Thị Nở, Chí Phèo, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, các con thú,... với giá từ 20.000 đến 50.000 đồng mỗi chiếc.
Vừa nghỉ tay, bà Hạnh lại sang nhà chị Thanh để lấy trống gỗ đã đặt trước cho kịp đơn hàng gửi cho khách mua. Đây đều là những đơn đặt thêm, do nhu cầu năm nay lớn hơn mọi năm nên những người thợ đều phải tất bật làm từ sáng đến tối.
Chị Thanh tỉ mỉ ghi lại số lượng trống lên giấy. “Do các sản phẩm đều được làm thủ công với nhiều công đoạn nên mất nhiều thời gian để hoàn thiện“, chị vừa kể vừa quay qua hỏi bà Hạnh về số lượng đơn hàng tiếp theo.
Tang trống được phơi khắp sân nhà, ngoài ngõ. Trong các công đoạn thì bưng trống (đóng mặt trống) là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo nhất, để mặt trống không quá căng, tiếng trống sẽ vang hơn.
Ở góc sân nhỏ, ông Vũ Hữu Kê với hơn 40 năm làm nghề đang ngồi đóng từng mặt trống. Những chiếc trống này sẽ được bà Hạnh mang về và sơn màu hoàn thiện. Những gia đình còn làm nghề ở làng Ông Hảo vẫn luôn hỗ trợ, cùng sản xuất với nhau như vậy.
“Dù đầu mùa hay cuối mùa, có nhiều đơn đặt hàng và số lượng lớn hay không thì tôi vẫn giữ nguyên một giá cũng như đảm bảo chất lượng của từng sản phẩm” - Bà Hạnh vui vẻ kể.
Trong sân nhà, ông Đông cũng đang thực hành hướng dẫn làm trống cho du khách nước ngoài. Những năm gần đây, gia đình ông Đông, bà Hạnh cũng kết hợp cùng các công ty du lịch nhằm phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội.
Một du khách vui vẻ sau khi đã vẽ chiếc mặt nạ giấy bồi của riêng mình. Theo chia sẻ của hướng dẫn viên du lịch, du khách nước ngoài khi đến Việt Nam rất thích những tour khám phá văn hóa kết hợp trải nghiệm làng nghề truyền thống.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo vị thế trong các hoạt động văn hóa dân gian, những món đồ chơi dân gian tại làng Ông Hảo đang dần để lại dấu ấn riêng. Mỗi sản phẩm đều được làm ra bằng sự hăng say, lòng nhiệt huyết của những người thợ làm nghề, khiến cho mùa Trung thu thêm rực rỡ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn