MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những mảnh đời từng bị quên lãng ở trại phong Phú Bình (Thái Nguyên).

Lặng lẽ trại phong hơn 60 năm tuổi đời ở Thái Nguyên

Việt Bắc LDO | 27/03/2024 14:08

Thái Nguyên - Nằm giữa những cánh rừng xanh mướt và gần như tách biệt với bên ngoài, cuộc sống của những con người trong trại phong Phú Bình hàng chục năm qua vẫn lặng lẽ trôi như đã tìm về được sự yên bình.

Những ngày cuối tháng 3.2024, trại phong Phú Bình thuộc Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình (Thái Nguyên) được bao phủ bởi màu xanh mướt của những cánh rừng keo đã vài năm tuổi của xã Tân Kim (huyện Phú Bình), khu trại gần như tách biệt với thế giới bên ngoài cùng sự tĩnh lặng bao trùm.
Nếu không có tấm biển này có lẽ nhiều người sẽ không thể biết được nơi đây đã và đang là chốn dừng chân của hàng trăm con người mang trong mình căn bệnh từng liệt vào tứ chứng nan y.
Trại phong Phú Bình hiện có 8 dãy nhà cấp 4 kiên cố, mỗi dãy được chia thành 5 căn phòng với diện tích rộng rãi, thoáng mát. Cơ sở xây dựng từ những năm 1960, diện tích hơn 4.000m2 khu trại có cả khuôn viên cây xanh, ao vườn.Trước đây nơi này từng có tới 100 bệnh nhân, khi bệnh nhân cuối cùng được chữa khỏi vào năm 2000, cơ sở hiện nay chỉ còn 51 người.
Họ là những con người cùng chung cảnh ngộ, đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, bước chân vào đây khi tuổi còn đôi mươi, đến nay qua hơn nửa thế kỷ, giờ tóc đã bạc, khuôn mặt hằn in dấu vết của thời gian.
Trước đây, 2 người ở chung 1 phòng nhưng hiện giờ đa số mỗi phòng chỉ còn 1. Bởi người thì đã qua đời do già yếu, bệnh tật, có người thì được gia đình đón về chăm sóc.
Các vật dụng, đồ đạc sinh hoạt hằng ngày đơn sơ được sắp xếp gọn gàng. Không ít trong số đó có những đồ đạc của những người bạn cùng phòng trước đó không mang đi, được người ở lại gìn giữ cẩn thận.
Phải rất vất vả ông Nghiêm Xuân Chính (Bắc Ninh) mới có thể cầm được chiếc thìa xúc cơm nhưng điều đó vẫn chưa phải là khó khăn nhất: “Kể từ khi người bạn hơn 30 năm sống chung cùng phòng qua đời, 3 năm qua tôi vẫn lủi thủi một mình như vậy, quen rồi mà vẫn thấy cô đơn. Nhớ bạn thôi, cùng cảnh ngộ nương tựa nhau sống tuổi già bệnh tật".
Khi được hỏi về người thân, ông Chính chỉ thở dài: “Từ khi đến trại phong, tôi chưa một lần về lại quê hương bởi nơi đó tôi đã không còn người thân nào nữa“, giọng ông Chính lại như lạc đi cùng bàn tay quắp chặt: “Những người ở trại phong này hiện chính là gia đình của tôi nhưng nhiều năm qua chứng kiến bao người lần lượt ra đi, buồn đau lắm“.
Một số bệnh nhân khác khi tứ chi bị biến chứng không nặng thì vẫn có thể tự làm được các công việc cá nhân như nấu ăn, phơi giặt quần áo.
Bà Hoàng Thị Tắm (89 tuổi) quê Thái Nguyên là trong số bệnh nhân may mắn khi cơ thể vẫn còn khá lành lặn. Bà cho biết: "Người nhà tôi nhiều lần muốn đưa tôi về chăm sóc nhưng do mặc cảm về quá khứ bị bệnh phong và từ lâu, tôi đã coi đây như là ngôi nhà, gia đình thứ 2 nên không muốn rời đi".
Những công việc nhẹ nhàng như quét sân dễ với người thường nhưng lại khó với người bệnh phong, tuy vậy còn cầm được cán chổi cũng đã là niềm vui.

Mỗi người một hoàn cảnh nhưng khi về với trại phong này họ đều mong tìm được sự bình yên nốt phần đời còn lại.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đồng Văn Thành - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Phú Bình cho biết, đến năm 2000 trại phong Phú Bình đã không còn bệnh nhân mới. Hiện tại, khu trại đang là nơi ở của những người đã được điều trị khỏi, tuy đã khỏi bệnh nhưng họ vẫn mặc cảm do trong thời gian bệnh bị biến chứng, mất chi thể nên nhiều người mặc cảm không muốn quay lại xã hội. Có người thì đã quá quen với cuộc sống ở khu điều trị nên muốn ở lại.
“Chúng tôi vẫn thường xuyên tổ chức vào thăm, động viên người ở đây. Tại đây các cụ được các nhân viên y tế chăm sóc, mỗi tháng hỗ trợ số tiền khoảng 2 triệu đồng, được hưởng chế độ mua bảo hiểm y tế chăm sóc toàn diện 100%. Nhiều khi có phát sinh về sức khỏe ngoài khoản chi trả của bảo hiểm, vượt quá chế độ thì đã được đoàn thể, đơn vị quan tâm hỗ trợ kịp thời giải quyết ", ông Thành chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn