MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làng nghề đúc lư đồng 200 tuổi nhộn nhịp dịp cận tết

Việt Phong LDO | 06/01/2023 10:00

TPHCM - Làng nghề đúc lư đồng An Hội (quận Gò Vấp, TPHCM) đang bước vào thời gian cao điểm sản xuất trong năm. Những người thợ tại đây đang làm việc liên tục để hoàn tất đơn hàng cho dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Còn hơn nửa tháng là đến Tết Nguyên đán 2023, các cơ sở tại làng đúc đồng An Hội (quận Gò Vấp, TPHCM) tất bật chuẩn bị các sản phẩm phục vụ tết.
Điểm đặc biệt của lư đồng An Hội là khuôn được làm thủ công bằng đất sét tốt, sau đó đem giã nhuyễn, sàng lọc thành bột trộn với tro trấu.
Tiếp đến, khuôn sáp của lư đồng còn được người thợ tạo dáng bằng vật liệu sáp ong trộn với sáp đèn cầy.
Khuôn sáp sau khi được bọc 2 lớp đất sét sẽ mang đi phơi khô từ 7 đến 10 ngày.
Sau đó, người thợ sẽ đổ đồng nóng chảy vào khuôn. Công đoạn này thường được thực hiện vào ban đêm và đòi hỏi sự phối hợp ăn ý từ hầm nung cho đến múc đồng.  
Cuối cùng, chiếc lư đồng trải qua quá trình làm nguội, mài giũa, chạm khắc hoa văn và đánh bóng rồi thành phẩm.
Một số công đoạn đã được thay bằng máy móc nhưng đa phần vẫn được làm thủ công, nhờ đó tạo ra đặc trưng riêng của chiếc lư đồng An Hội.
Theo các người thợ lâu năm, nghề làm lư đồng An Hội đã tồn tại gần 200 năm. Do quá trình đô thị hóa, làng đúc đồng An Hội đã giảm từ 24 lò xuống chỉ còn 4 cơ sở đang hoạt động.
Ông Trần Quốc Kiển, chủ cơ sở lư đồng Quốc Kiển cho biết: “Các tháng cuối năm là thời gian cao điểm để sản xuất lư đồng. Tuy vậy, lượng đơn đặt hàng năm nay giảm 50% so với năm trước“.
Lư đồng An Hội được tiêu thụ đa phần ở các tỉnh Miền Đông và Tây Nam Bộ. Theo khách hàng, lư đồng An Hội có đường nét và hoa văn tinh xảo, đặc biệt là ánh vàng đặc trưng khác xa với lư đồng công nghiệp.
Ngoài lư đồng, các cơ sở ở đây còn sản xuất nhiều sản phẩm khác để phục vụ dịp Tết Nguyên đán.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn