MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làng rau nhút ở TPHCM: Quanh năm "trầm" mình dưới nước, không ngày nghỉ Tết

CHÂN PHÚC - KHÁNH LINH LDO | 05/01/2022 06:00

TPHCM - Sau hơn 4 tháng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến sản lượng và doanh thu bị sụt giảm, những ngày cận Tết, những người nông dân tại Thạch Xuân, xã Thới An (quận 12) lại tất bật dầm mình dưới nắng cả ngày để chuẩn bị cho những đợt thu hoạch dịp cao điểm lễ, Tết.

Đa số khu vực đất trống tại phường Thới An (quận 12, TPHCM) hiện nay đều được người nông dân xung quanh thuê để trồng rau nhút. Hình thành theo kiểu người đi trước chỉ cho người đi sau, dần dần nơi đây trở thành “làng rau nhút”. 
 Đang sở hữu 5 công đất trồng rau nhút, bà Hoàng Thị Cảnh (ngụ quận 12) cho biết, rau nhút chủ yếu được bán vào các nhà hàng. Nhưng đợt dịch vừa qua, nhà hàng vắng khách, thậm chí còn phải đóng cửa, họ hạn chế mua rau khiến rau ế ẩm. Hơn nữa, mùa mưa vừa qua cũng khiến một lượng lớn rau bị hỏng.
 Bà Cảnh cho biết hiện nay có hàng chục hộ nông dân tại xã Thạch Xuân đang kiếm sống bằng mô hình trồng rau nhút - loại rau đã và đang mang lại cuộc sống cho người dân nơi đây từ nhiều năm qua. 
Cũng theo bà Cảnh,hiện tại rau nhút nếu chỉ rửa sạch bèo, bán lẻ theo cân thì giá từ 15.000 - 17.000 đồng/kg. Mỗi ngày, bà Cảnh thu hoạch được từ 60-70kg rau nhút, những ngày cuối tuần, lượng đặt hàng của khách nhiều hơn, bà sẽ thu hoạch tăng lên ở mức khoảng 100kg. 
Trên ruộng trồng rau nhút, người nông dân căng dây cước sát mặt nước tạo thành từng luống rộng khoảng 2m. Các dây này có nhiệm vụ cố định, không cho rau chìm, trôi, xô lại với nhau.
Người “thợ hái” trầm mình dưới nước, đứng giữa các luống rau, dùng tay không để bẻ ngọn rau, thả trôi trên mặt nước. Vừa hái, người này vừa kéo những ngọn rau vừa thu hoạch đang nổi trên mặt nước về phía sau mình. “Nghề này cực lắm, hầu như phải trầm mình trong nước. Mỗi ngày, chúng tôi phải cúi gằm mặt xuống mặt nước, đầu phơi ra giữa cái nắng như đổ lửa. Rau này chỉ tốt khi trời nắng gắt nên chúng tôi hầu như làm việc trong mùa nắng cháy da”, ông Dương Đức Hòa - một nông dân chuyên trồng rau nhút hơn 10 năm tâm sự.
 Loại rau này chỉ phát triển mạnh ở phần ngọn mà không phải ở phần gốc như nhiều loại rau màu khác, vì vậy nếu trồng quay bộ rễ chúng lên trên sẽ phù hợp hơn và giúp chúng không bị thối rễ vì ngâm lâu trong nước.
 Những năm trước đây, việc trồng rau nhút của các hộ gia đình cũng đều mang lại thu nhập ổn định, song năm nay do gặp dịch COVID-19, giá rau đến cận Tết vẫn không tăng vì các mối lấy hàng lớn như nhà hàng, nơi tổ chức tiệc... đều sụt giảm.
Bà Lê Thị Ngọc (ngụ tại Lê Thị Riêng, quận 12) - một nông dân đã gắn bó 20 năm với nghề trồng rau nhút cho biết: "Loại rau này có thể ăn cùng với nhiều món, đặc biệt là các món lẩu và thường được các nhà hàng đặt nhiều để làm tiệc cuối năm. Mặc dù năm nay sau dịch, các đầu mối nhập hàng lâu năm cũng ít hơn do đó giá hiện tại cũng chỉ ở mức khoảng 15.000 đồng/kg, nếu đã nhặt sạch phao thì giá khoảng 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cuối năm luôn là thời gian cao điểm, tôi thu hoạch cả 30 và mùng 1 Tết, không nghỉ ngày nào”. 
  Những người nông dân trồng rau nhút lâu năm cho hay, việc trồng rau nhút quan trọng nhất là không để nguồn nước bị ô nhiễm vì sẽ làm chúng kém phát triển và chết rất nhanh, nhất là vào thời điểm mưa dầm. Thường thường, mỗi tháng họ thu hoạch rau 2 lần (mỗi lần cách nhau 10 - 15 ngày). Sau khi thu hoạch, họ sẽ rải phân để chúng hồi sức tăng trưởng. Năm nay các chi phí phân bón tăng lên, lại trải qua đợt dịch, những người nông dân trồng rau nhút chỉ còn "trông" vào những ngày Tết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn