MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làng rèn nghìn năm tuổi mòn mỏi chờ đợi xây dựng khu sản xuất tập trung

THU HIỀN - HỮU CHÁNH LDO | 05/06/2022 08:40

Hà Nội - Dù thành phố đã quy hoạch đất để các hộ làm rèn làng nghề Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, Hà Đông) chuyển lò, xưởng ra phía ngoài làng, nhưng đến nay điểm công nghiệp rộng 13,09 hécta vẫn chỉ là bãi đất hoang vắng.

Làng rèn Đa Sỹ nằm bên dòng sông Nhuệ, cách trung tâm quận Hà Ðông hơn 1km về phía hạ lưu, đã trải qua hơn 1000 năm hình thành và phát triển. Làng Đa Sỹ được Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận là một trong những làng nghề tiêu biểu của Việt Nam. Nhiều hộ gia đình trong làng vẫn theo đuổi nghề truyền thống của ông cha. 
Hiện nay, làng nghề truyền thống Đa Sỹ có hơn 1.000 hộ gia đình đang duy trì nghề rèn. Trong số đó có khoảng 70% số hộ làm rèn thủ công, 30% số hộ đã đưa máy móc vào sản xuất. 
Anh Nguyễn Ngọc Thanh dưới sự hướng dẫn và chỉ bảo tận tình của cha là nghệ nhân Nguyễn Văn Mộc, đến nay đã có hơn 20 năm kinh nghiệm rèn với tay nghề vững, không thua kém các bậc tiền bối trong làng.
Anh Thanh chia sẻ: “Nghề này đòi hỏi phải có sức khỏe vì thường xuyên sẽ bị thương, tiếp xúc nhiều với ngọn lửa thì mới tạo nên những sản phẩm chất lượng. Với niềm đam mê và yêu thích với nghề, tôi không ngừng nỗ lực giữ nghề, học hỏi và tìm tòi, nắm bắt nhu cầu của thị trường để có những cách thức giúp làng nghề phát triển hơn nữa”.
Nguyên liệu chính tạo nên những con dao, chiếc kéo là sắt và gỗ.
Ðầu tiên là cắt phôi, sau đó cho lên lò nung với nhiệt độ hơn 1.000 độ C, thời gian nung tùy thuộc vào từng loại nguyên liệu thép và độ dày mỏng của sản phẩm.
Phôi thép nung đến khi chuyển sang màu đỏ trắng, hai người thợ sẽ tiến hành rèn, một người cầm búa nhỏ gõ nhịp dẫn và một người dùng búa to nặng để quai, việc này phải có sự kết hợp nhịp nhàng, ăn ý, nếu không sẽ hỏng sản phẩm và gây nguy hiểm cho người khác.
Công đoạn gọt bỏ những phần sắt thừa để tạo thành hình dáng hoàn chỉnh của sản phẩm.
Cuối cùng sẽ là các công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, như: mài nước, gạt mầu, đánh phớt bóng, tra cán...
Những giọt mồ hôi rơi trên mặt người thợ đủ thấy sức nóng của lò rèn và nỗi vất vả của nghề rèn.
Một ngày dài làm việc vất vả, chịu từng cơn nóng của ngọn lửa nhưng mỗi khi có khách, những người thợ đều niềm nở và nhiệt tình đón tiếp. 
Cẩn thận ghi lại thông tin khách hàng và mẫu mà khách yêu cầu.
Thành quả cuối cùng là giá gỗ treo đủ các loại nông cụ như dao, cuốc, xẻng, búa, lưỡi rìu,…
Nghề rèn vất vả, nặng nhọc, dễ xảy ra tai nạn lao động nhưng nhiều người vẫn gắn bó hàng chục năm. Bây giờ đất chật, người đông, các hộ làm rèn ngay trong khuôn viên nhà mình sẽ bị ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tiếng ồn, khói bụi đến các hộ ở xung quanh.
Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ cho biết, TP.Hà Nội đã quy hoạch đất cho làng rèn Đa Sỹ để các hộ làm rèn chuyển lò, xưởng ra phía ngoài làng, nhưng chờ đợi nhiều năm nay vẫn chưa được thực hiện. "Chỉ mong dự án sớm được triển khai để người dân làng rèn bảo tồn, phát triển mãi nghề truyền thống của cha ông để lại…", ông Hùng nói.
Theo tìm hiểu, điểm công nghiệp dịch vụ làng nghề Đa Sỹ được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội thực hiện dự án vào ngày 13.2.2008. Theo đó, đến tháng 6.2009 dự án phải hoàn thành và đến tháng 7.2009 bàn giao hạ tầng cho UBND quận Hà Đông. 
Theo UBND phường Kiến Hưng, điểm công nghiệp làng nghề rèn Đa Sỹ đã được triển khai hơn 10 năm nhưng đến nay một số người dân chưa đồng thuận bàn giao giải phóng mặt bằng. Do vậy, dự án rộng 13,09 hécta này đang bị đình trệ, chưa thể triển khai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn