MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Làng xôi Phú Thượng trắng đêm “đỏ lửa” thổi xôi ngày ông Công ông Táo

Làng xôi Phú Thượng trắng đêm “đỏ lửa” ngày ông Công ông Táo

Thảo Trang LDO | 02/02/2024 08:57

Khi thành phố đã chìm vào giấc ngủ, ánh đèn điện ở làng Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) vẫn sáng rực, người dân tất bật chuẩn bị những loại xôi sặc sỡ sắc màu để phục vụ ngày cúng ông Công ông Táo.

Từ lâu làng Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã nổi tiếng với nghề làm xôi truyền thống. Những món xôi ở đây trở thành một trong những món đặc sản của đất Hà Thành, được người tiêu dùng khắp nơi lựa chọn vào các dịp lễ Tết quan trọng.
Để chuẩn bị những mẻ xôi thơm ngon, đáp ứng nhu cầu người dân ngày ông Công ông Táo, bà Mai Thị Thanh đã phải chuẩn bị các nguyên liệu từ tối hôm trước. Khi cả thành phố chìm vào giấc ngủ, cũng là lúc bà Thanh tất bật chuẩn bị những loại xôi sặc sỡ sắc màu để phục vụ ngày cúng 23 tháng Chạp.
Để hạt xôi được dẻo thơm, không bị nát người dân làng Phú Thượng thường ngâm khoảng 10 tiếng trước khi vo, các nguyên liệu như lạc, đỗ sẽ được ngâm sau. Tùy thuộc vào các loại xôi mà người thổi xôi sẽ chọn nguyên liệu trộn lẫn vào gạo trước khi mang xôi đi đồ.
Xôi Phú Thượng luôn được thực khách yêu quý bởi bí quyết làm nghề và khâu tuyển chọn nguyên liệu đầu vào. Ở điều kiện cần thì phải là nếp cái hoa vàng được thu hoạch vào tháng Mười (âm lịch) hoặc nếp Nhung có mùi thơm đặc trưng.
Xôi Phú Thượng mang màu sắc từ các nguyên liệu tạo màu 100% đều từ tự nhiên như: màu đỏ của gấc, màu xanh của lá nếp, màu tím của lá cẩm, màu vàng của nghệ… hoàn toàn đảm bảo sức khỏe.
Sau khi trộn màu tự nhiên, gạo sẽ được đem đi đồ. Khi đồ xôi hạt nếp dẻo thơm nhưng vẫn căng bóng, không bị dập nát, dù để cả ngày thì màu sắc, chất lượng của xôi vẫn mềm dẻo.
"Người làm nghề cần tuân thủ quy trình nấu xôi gồm 5 bước: Đãi sạch gạo, ngâm nước sạch trong 10 giờ đồng hồ; vớt gạo ra, xóc muối để khô; đồ xôi lần 1; bới xôi để nguội; đồ xôi lần 2. Mỗi lần đồ xôi trong khoảng 1 giờ đồng hồ với lửa to và đều. Cuối cùng, xôi được ủ trong buồm để không bị đổ mồ hôi", bà Thanh chia sẻ.
Nấu xôi Phú Thượng không chỉ là một nghề mà còn được xem như là một nghệ thuật ẩm thực. Xôi Phú Thượng có nét đặc trưng riêng biệt so với các loại xôi khác. Xôi nấu xong được chia ra các thúng riêng, rồi đặt vào các lớp buồm khác nhau. Trên các buồm luôn đậy các vỉ cói để xôi luôn nóng, thơm dẻo và không bị hấp hơi nước.
Xôi Phú Thượng luôn có độ bóng riêng do chất gạo, được gói trong các loại lá chứ không bao giờ gói trực tiếp bằng giấy báo hay giấy bóng kính. Nếu là xôi Phú Thượng ngon đúng điệu thì chỉ cần nhìn hạt xôi, ngửi mùi hương bay lên là đã nhận ra. Bởi sự thơm ngon, xôi Phú Thượng luôn được rất nhiều người lựa chọn dâng lên bàn thờ tổ tiên mỗi dịp lễ, Tết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn